Ngày 21 tháng 12 năm 2017, Trường Đại học Versailles Saint-Quentin-En-Yvelines (Cộng hòa Pháp) đã tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Đậu Đức Anh, sinh năm 1982, giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh.

Đề tài: Quá trình ra đời và hoạt động của Viện Dân biểu Trung kỳ (1926-1945).

Chuyên ngành: Lịch sử.

Hướng dẫn khoa học: Giáo sư Jean Yves Mollier.

Hội đồng đánh giá luận án gồm 5 thành viên:

- Jean Claude Yon, Giáo sư lịch sử đương đại, Trường Đại học Versailles Saint-Quentin-En-Yvelines (Chủ tịch Hội đồng).

- Pierre Brocheux, Phó Giáo sư lịch sử đương đại, chuyên nghiên cứu về Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Paris 7 (Phản biện).

- Jean Garrigues, Giáo sư lịch sử đương đại, chuyên nghiên cứu về lịch sử chính trị và nghị viện Pháp, Trường Đại học d’Orléans (Phản biện).

- Philippe Le Failler, Phó Giáo sư lịch sử đương đại, chuyên nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Aix-Marseille/EFEO (Ủy viên).

- Jean Yves Mollier, Giáo sư danh dự lịch sử đương đại, Trường Đại học Versailles Saint-Quentin-En-Yvelines (Hướng dẫn).

Kết quả: 100% thành viên của Hội đồng đánh giá luận án nhất trí thông qua.


NCS chụp ảnh cùng Hội đồng chấm luận án

Những đóng góp chính của luận án:

Trên cơ sở khai thác, nghiên cứu nguồn tài liệu gốc bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, được lưu giữ tại các Trung tâm lưu trữ của Pháp và Việt Nam, luận án là công trình đầu tiên trong và ngoài nước nghiên cứu toàn diện, chuyên sâu về lịch sử hình thành và hoạt động của Viện Dân biểu Trung kỳ từ năm 1926 đến năm 1945. Từ đó, kết quả của luận án góp phần làm sáng rõ một tổ chức nghị viện tồn tại trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc nhưng chưa được nhận thức đầy đủ, khách quan.

Luận án phân tích những đóng góp cụ thể của Viện Dân biểu Trung kỳ đối với nhân dân và lịch sử Việt Nam trên các phương diện hoạt động chủ yếu: đề nghị mở rộng quyền dân biểu, đòi thực hiện chế độ phổ thông đầu phiếu, ban hành hiến pháp, cải cách pháp luật; thỉnh cầu giảm tô thuế, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và phổ biến chữ Quốc ngữ ở Trung kỳ.

Qua hoạt động của các nghị viên, luận án đã đánh giá khách quan vị trí, vai trò cũng như những hạn chế của các nhóm nghị viên nói chung và một số nghị viên nổi bật nói riêng trong Viện Dân biểu Trung kỳ.

Thực hiện luận án, tác giả đã hệ thống hóa hàng nghìn trang tư liệu lưu trữ chưa được công bố về Viện Dân biểu Trung kỳ. Đây là nguồn tư liệu nghiên cứu, tham khảo có giá trị khoa học cho những đề tài liên quan đến các tổ chức dân cử trong bộ máy chính quyền thuộc địa ở Việt Nam, Đông Dương trước năm 1945.