Tối ngày 11 tháng 4 năm 2013 vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường, Trường Đại học Vinh đã tổ chức Hội nghị Cán bộ trẻ toàn trường. Tới dự và chỉ đạo hội nghị có PGS.TS.NGƯT Đinh Xuân Khoa, Bí thư đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, cùng các đồng chí trong Đảng ủy, Ban giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị, khoa, phòng ban, trường trực thuộc.
               Hội nghị cán bộ trẻ là hoạt động thường niên, nằm trong kế hoạch năm học của nhà trường. Đây là dịp để lãnh đạo Nhà trường đối thoại trực tiếp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ trẻ, để từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trẻ. Đây cũng là diễn đàn để đội ngũ cán bộ trẻ của Nhà trường trình bày những khó khăn trong công tác cũng như tâm tư, nguyện vọng trong cuộc sống để cùng tháo gỡ.

 

Toàn cảnh hội nghị

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Mai Văn Trinh, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo chung của Hội nghị CB trẻ năm nay là: Nói ít về thành tích, điểm mạnh mà mạnh dạn, trực diện với những điểm yếu, mặt hạn chế để cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp mạnh, khả thi nhằm sớm có thể khắc phục những hạn chế, yếu kém để tạo đà cho bước phát triển mới về công tác CB trẻ của nhà trường.


PGS.TS Mai Văn Trinh, TP. Tổ chức Cán bộ phát biểu khai mạc Hội nghị

 

Trong phát biểu của mình, PGS.TS Mai Văn Trinh đã nêu lên điểm mạnh của đội ngũ cán bộ trẻ đó là:

 - Nhìn chung CB trẻ trường ta có lập trường tư tưởng chính trị tốt, đạo đức trong sáng, yên tâm với nghề, gắn bó với nhà trường. Phần lớn CB trẻ đã khắc phục khó khăn nhiều mặt để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều CB trẻ vượt khó khăn, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ;

- Số lượng CB trẻ có công trình khoa học công bố ở các tạp chí có uy tín, có sáng kiến kinh nghiệm có giá trị tăng theo thời gian.... Đã bắt đầu xuất hiện những nhân tố mới, những CB trẻ có năng lực chuyên môn, hứa hẹn có những thành công trong tương lai;

- Nhiều CB trẻ phát huy được vai trò của mình trong các hoạt động của đơn vị, nhất là trong các hoạt động đoàn thể;

- Đã có những CBGD trẻ mạnh dạn tiếp cận với các PPDH mới, đổi mới PPDH, ứng dụng CNTT-TT vào công tác chuyên môn;

- Nhiều CB trẻ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo cấp đơn vị và cấp Trường.

Bên cạnh đó CB trẻ vẫn còn một số mặt tồn tại, yếu kém cần khắc phục:

- Động lực, động cơ phấn đấu, rèn luyện chưa rõ nét, chưa mạnh mẽ như kỳ vọng của các thế hệ đi trước, của lãnh đạo nhà trường. Nhiều CB trẻ chưa hoạch định được kế hoạch cho "bài toán cuộc đời" của mình. Tinh thần dấn thân, cống hiến chưa rõ nét;

- PPGD chậm đổi mới nhất là với CBGD các khoa ngoài SP, các PPDH hiện đại ít được áp dụng, khả năng tổng hợp, xử lý văn bản đối với CB khối hành chính còn hạn chế, còn phải chỉnh sửa nhiều trước khi ban hành, việc cập nhật các văn bản mới chưa được kịp thời để tham mưu tốt cho lãnh đạo;

- Hoạt động NCKH còn yếu, chưa ngang tầm với tiềm năng, chưa đáp ứng kỳ vọng của Nhà trường. Chưa có nhiều công trình nghiên cứu, các sáng kiến kinh nghiệm có giá trị nhằm giải quyết các vấn đề của thực tiễn KT-XH và của Nhà trường. CB trẻ chưa chủ động trong việc đề xuất, tìm kiếm các đề tài, dự án KHCN;

- Năng lực ngoại ngữ còn kém, chậm được khắc phục. Tuy nhiên, động lực, mục tiêu của CB trẻ đối với công tác này còn yếu, thụ động. Đây thật sự là một thách thức lớn đối với nhà trường. Những năm qua rất nhiều chương trình học bổng SĐH ở nước ngoài nhưng CB trẻ không đạt được;

- Chưa mạnh dạn phát biểu ý kiến, đề xuất các ý tưởng, giải pháp để hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện các hoạt động của đơn vị, của Nhà trường;

- Vẫn còn không ít CB trẻ chưa chấp hành tốt nề nếp, quy chế làm việc, văn hoá công sở, chưa trở thành tấm gương sáng, tạo dựng hình ảnh đẹp đối với người học về tự học và sáng tạo.

Giải pháp trong thời gian tới            

Từ tình hình thực tế trên, Nhà trường cần tiến hành các giải pháp sau:

1.      Trong điều kiện cụ thể của Nhà trường, Trường sẽ bảo đảm các chế độ chính sách theo luật định đối với CB và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CB trẻ;

2.      Đẩy mạnh hoạt động đổi mới PPDH, khuyến khích CB trẻ biên soạn giáo trình, bài giảng;

3.      Quản lý chặt chẽ, đánh giá nghiêm túc kết quả học tập các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và sử dụng kết quả trong đánh giá, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ;

4.      Thắt chặt kỷ cương, thực hiện nghiêm túc nề nếp làm việc, văn hoá công sở;

5.      Đề xuất với Đảng uỷ, BGH nhà trường có cơ chế khuyến khích, khen thưởng cán bộ trẻ có thành tích xuất sắc;

6.      Tiếp tục làm nghiêm túc công tác đánh giá trình độ ngoại ngữ cho CB trẻ, đưa kết quả thành một trong các tiêu chí thi đua cuối năm. CBGD trẻ trong vòng 5 năm phải thi được vào biên chế, nếu không sẽ huỷ (chấm dứt) hợp đồng;

7.      Hàng năm lựa chọn những CB có năng lực ngoại ngữ để có kế hoạch sắp xếp công việc ở đơn vị cử đi học ngoại ngữ tập trung trong thời gian xác định (tối đa 1 học kỳ); Nhà trường bảo đảm các chế độ như đối với CB đi học SĐH không tập trung nhằm chuẩn bị đội ngũ CB cho các chương trình tiên tiến, đề án ngoại ngữ 2020 và đào tạo SĐH ở nước ngoài;

8.      Đến năm 2015 sẽ chỉ bổ nhiệm CB lãnh đạo đơn vị, nhất là các khoa đào tạo với điều kiện ràng buộc về chuẩn ngoại ngữ (chú trọng tiếng Anh);

9.      Đẩy nhanh tiến độ đào tạo TS theo định hướng quy hoạch ngành đào tạo để có thể sớm hình thành các nhóm NC trong tương lai gần.

 

Cũng trong hội nghị này, PGS,.TS Đinh Xuân Khoa, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường đã trực tiếp đối thoại, trả lời những ý kiến trao đổi của cán bộ trẻ như:

- Ý kiến về việc tạo điều kiện cho cán bộ trẻ ở các khoa đặc thù trong việc học tập nâng cao trình độ. Lãnh đạo nhà trường kết luận: bên cạnh quy định về độ tuổi, Nhà trường đã có quy định đối với những ngành học chưa có giảng viên có trình độ tiến sĩ sẽ được tạo điều kiện đi học. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho cán bộ một số khoa mới thành lập đi học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

  

 

PGS.TS.NGƯT Đinh Xuân Khoa, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường

phát biểu tại Hội nghị

 - Về việc tạo điều kiện cho cán bộ trẻ đi học tập ngắn hạn ở nước ngoài, nhà trường rất quan tâm và khuyến khích cán bộ trẻ, yêu cầu đội ngũ cán bộ trẻ cần phải chủ động tự trang bị cho mình vốn ngoại ngữ cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của các chương trình học tập ngắn hạn của nước ngoài.

- Công tác kiểm tra trình độ ngoại ngữ cho cán bộ hàng năm, giao Phòng Tổ chức Cán bộ nghiên cứu, rà soát và tham mưu phương án tổ chức kiểm tra, đảm bảo công bằng và chất lượng.

- Ý kiến về những khó khăn của cán bộ trẻ, đặc biệt là vấn đề nhà ở, kiến nghị nhà trường có phương án xây dựng nhà ở tập thể dành cho cán bộ trẻ để đảm bảo đời sống, yên tâm công tác. Nhà trường tiếp thu ý kiến và giao cho Ban giám hiệu kết hợp với Công đoàn và Ban quản lý các dự án xây dựng nghiên cứu phương án triển khai cho phù hợp với tình hình thực tế.

- Việc xây dựng cộng đồng đại học Vinh ở nước ngoài để kết nối và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các cán bộ là ý tưởng hay, cán bộ trẻ cần tích cực tham gia.

Trong không khí cởi mở, dân chủ, với tinh thần xây dựng, đội ngũ cán bộ trẻ của Nhà trường đã mạnh dạn đề xuất những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình đối với Nhà trường, nhằm góp phần xây dựng Trường Đại học Vinh từng bước phát triển, xứng tầm là Trường đại học trọng điểm quốc gia, “Nơi tạo dựng tương lai cho tuổi trẻ”./.

 

Phạm Đình Mạnh - Lê Minh Ngọc