Ngày 11 tháng 11 năm 2018, tại Trường Đại học Vinh, Nghiên cứu sinh (NCS) Đặng Thị Thu, sinh năm 1978, đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp Trường, Chuyên ngành Ngôn ngữ Việt Nam. NCS Đặng Thị Thu đã hoàn thành chương trình đào tạo và thực hiện luận án trước thời hạn 01 năm.

 

Tên luận án: Dialogue turns containing assertive utterances through characters’ conversations in Ma Van Khang's novel. (Tham thoại chứa hành động nhận xét qua lời thoại nhân vật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng)

Mã số: 922.01.02

Người hướng dẫn khoa học: 1. GS. TS. Đỗ Thị Kim Liên

                                      2. PGS.TS. Hoàng Trọng Canh

Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Vinh

 

 Hội đồng chấm luận án gồm 7 thành viên:

1. GS.TS. Lê Quang Thiêm               Chủ tịch Hội đồng

2. GS.TS. Mai Ngọc Chừ                    Phản biện 1

3. PGS.TS. Phạm Văn Tình                Phản biện 2

4. PGS.TS. Ngô Đình Phương             Phản biện 3

5. PGS.TS. Phan Mậu Cảnh                Uỷ viên 

6. TS. Lê Thị Sao Chi                         Ủy viên

7. TS. Đặng Lưu                                 Thư ký

 

Kết quả bảo vệ theo đánh giá của Hội đồng chấm Luận án: 7/7 thành viên của Hội đồng chấm Luận án nhất trí thông qua và đề nghị công nhận học vị Tiến sĩ cho NCS.

 

Những đóng góp của Luận án sau đây:

1. Luận án là công trình đầu tiên đi sâu tìm hiểu hành động nhận xét qua lời thoại nhân vật trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng.

2. Tổng quan đầy đủ, cập nhật có hệ thống những vấn đề lý thuyết liên quan đến đề tài.

3. Khảo sát 05 cuốn tiểu thuyết tiêu biểu của nhà văn Ma Văn Kháng và thống kê được 1034 tham thoại có chứa hành động nhận xét.

4. Luận án đã đưa một hệ thống tiêu chí để nhận diện hành động nhận xét trong tác phẩm nghệ thuật, gồm: lời dẫn thoại, lời thoại nhân vật và quan hệ liên nhân giữa các vai giao tiếp. Trong mỗi nội dung này, tác giả luận án đã khảo sát, miêu tả tỉ mỉ để đưa ra các kết quả mới, có ý nghĩa khoa học.

5. Luận án đã đi sâu nghiên cứu cấu tạo của tham thoại chứa hành động nhận xét với 2 nhóm: tham thoại đơn và tham thoại phức. Trong nhóm tham thoại phức, tác giả luận án đã xác định, phân loại và mô hình hóa các tiểu nhóm hành động chủ hướng nhận xét và các hành động phụ thuộc đi kèm. Mối quan hệ giữa hành động nhận xét chủ hướng và các hành động phụ thuộc là quan hệ lập luận.  Đặc biệt, nhà văn là đã lựa chọn, tổ chức các hành động ngôn ngữ một cách linh hoạt, biến hóa, sử dụng kiểu tổ chức lập luận tầng bậc trong lời thoại của nhân vật nhằm thực hiện đích giao tiếp để đạt hiệu quả cao nhất.

6. Luận án đã  xác định hai nhóm ngữ nghĩa của tham thoại chứa hành động nhận xét qua lời thoại nhân vật trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng. Từ đó, luận án xác định được ngữ nghĩa khái quát bao trùm là nhân tình thế thái , sự suy vi xuống cấp đạo đức gia đình và xã hội, sự phai nhạt của các giá trị nhân văn truyền thống, sự thay đổi biến chất của nhân cách con người trước lối sống thực dụng và sự tác động của xã hội đồng tiền. Tác giả cũng đã chỉ ra và phân tích hiệu quả 3 phương thức thể hiện nội dung ngữ nghĩa qua lời thoại nhân vật trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng.

Sau đây là một số hình ảnh tại buổi bảo vệ:


NCS chụp ảnh cùng Hội đồng chấm luận án


NCS cùng Người hướng dẫn khoa học


GS.TS. Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Nhà trường chúc mừng NCS


Đồng nghiệp chúc mừng NCS