Ngày  29 tháng 8 năm 2014 vừa qua, tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức Lễ bảo vệ Luận án Tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Hoàng Phan Hải Yến, sinh năm 1981, Giảng viên Bộ môn: Địa lí Kinh tế - xã hội, Khoa Địa lí - Quản lí tài nguyên, Trường Đại học Vinh.

             Luận án với tên đề tài: "Phát triển kinh tế dải ven biển Thanh - Nghệ - Tĩnh"

             Hội đồng chấm luận án gồm có 7 thành viên:

GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Chủ tịch Hội đồng), GS.TSKH. Phạm Hoàng Hải, Viện Địa lí (Phản biện 1), GS.TS. Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Phản biện 2),  PGS.TS. Hoàng Phúc Lâm, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (Phản biện 3), PGS.TS Ông Thị Đan Thanh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Ủy viên), TS. Phạm Lê Thảo, Tổng Cục Du lịch (Ủy viên), PGS.TS Nguyễn Thị Sơn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Thư kí Hội đồng).

              Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Minh Tuệ, TS. Vũ Quế Hương.

              Hội đồng chấm luận án đã tiến hành bỏ phiếu kín với kết quả 7/7 phiếu tán thành và công nhận cấp bằng Tiến sĩ chuyên ngành Địa lí học cho nghiên cứu sinh Hoàng Phan Hải Yến.

              Một số đóng góp mới về mặt lý luận và thực tiễn của luận án:

          1. Luận án đã xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế ở dải ven biển trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu đã có trong và ngoài nước; lựa chọn các tiêu chí đánh giá thực trạng phát triển kinh tế ở dải ven biển để vận dụng vào dải ven biển Thanh - Nghệ - Tĩnh.

          2. Luận án làm rõ được những thế mạnh và hạn chế của các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển kinh tế ở dải ven biển Thanh - Nghệ - Tĩnh.

           3. Luận án phân tích hiện trạng phát triển kinh tế ở dải ven biển Thanh - Nghệ - Tĩnh theo khía cạnh ngành (công nghiệp, dịch vụ, nông - lâm - thủy sản) và theo lãnh thổ (khu công nghiệp, hộ gia đình, vùng chuyên canh, đô thị du lịch, khu kinh tế) theo các tiêu chí lựa chọn.

          4. Luận án đề xuất được một số giải pháp phát triển kinh tế ở dải ven biển Thanh - Nghệ - Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 bao gồm hệ thống giải pháp chung và các giải pháp cụ thể theo ngành và theo không gian

                Bên cạnh đó, những kết quả chính của luận án đã được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành và kỷ yếu hội thảo ở trong nước (10 bài báo)

                Kết quả nghiên cứu của nghiên cứu sinh Hoàng Phan Hải Yến sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành Địa lí của trường Đại học Vinh, bổ sung nguồn cán bộ chất lượng cao cho Nhà trường.

                  Sau đây là một số hình ảnh trong buổi lễ:

NCS chụp ảnh cùng Hội đồng chấm luận án

Bạn bè, đông nghiệp chúc mừng NCS