Ngày 09 tháng 04 năm 2013, tại Trường đại học Khoa học Sự sống (Poznan, Ba Lan), nghiên cứu sinh Mai Văn Chung (CBGD bộ môn Hóa sinh – Sinh lý thực vật, khoa Sinh học) đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Sinh học trong Khoa học trồng trọt, chuyên ngành Sinh lý thực vật ‘‘The role of signal molecules in defense responses of pea (Pisum sativum L.) to pea aphid (Acyrthosiphon pisum Harris) infestation” (Vai trò của các phân tử tín hiệu trong phản ứng phòng vệ của cây đậu (Pisum sativum L.) đối với rệp hại (Acyrthosiphon pisum Harris)

Hội đồng đánh giá Luận án gồm có 10 người, bao gồm:

1. Chủ tịch Hội đồng: GS.TSKH Andrzej Komosa (Trường Đại học Khoa học sự sống, Poznan)

2. CB phản biện 1: GS.TSKH Jolanta Legocka (Trường Đại học tổng hợp Adam Mikiewicz, Poznan)

3. CB phản biện 2: PGS.TSKH Maria Buchowska-Ruszkowska (Viện Bảo vệ thực vật-Viện Nghiên cứu quốc gia Ba Lan)

4. CB hướng dẫn khoa học: TSKH Iwona Morkunas (Trường Đại học Khoa học sự sống, Poznan)

cùng 6 thành viên khác

Kết quả đánh giá luận án: Xuất sắc (10/10)

 

Những nội dung chính của Luận án

            - Sự tổng hợp hy-dro-gen pe-ro-xit (H2O2) nội sinh, đặc biệt mạnh mẽ sau 24 giờ phá hoại của rệp, được chứng minh là một yếu tố quan trọng trong cơ chế bảo vệ của cây đậu (P. sativum) đối với tác động của rệp hại đậu (A. pisum).

            - Axit jasmonnic (JA) và phức methyl ester (MeJA) trong lá của cây đậu bị tác động bởi rệp đậu cao hơn so với đối chứng. JA và MeJA được ghi nhận cảm ứng gia tăng mạnh mẽ sau khi rệp hại 24 và 96 giờ. Cùng với H2O2, JA và MeJA đã cảm ứng vận hành các phản ứng phòng vệ kế tiếp của cây đậu.

            - Lipoxygenaza (LOX), enzyme đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp axit jasmonic, được cảm ứng tăng cường hoạt tính và độ hoạt động trong lá đậu suốt thời gian rệp phá hoại. Sự xuất hiện của hai đồng dạng đã được ghi nhận, đặc biệt sự biểu hiện của đồng vị thứ hai sau 72-96 giờ phá hoại của rệp có tương quan với số lượng rệp và cường độ phá hoại trên đậu

            - Hoạt động phá hoại của rệp đã kích thích cây đậu tổng hợp mạnh mẽ ê-ti-len (ET), một loại hooc-môn thực vật dạng khí phổ biến trong cây trồng. Trong thời gian rệp hại (96 giờ), hooc-môn thực vật này đã được tổng hợp và đạt hàm lượng cao sau 48 và 96 giờ.

            - Ni-tơ-ric ô-xit (NO) nội sinh được ghi nhận tham gia các phản ứng bảo vệ cùng với ET trong khoảng thời gian 48 giờ sau tác động của rệp.

            - Sự phá hoại của rệp cũng đã gây ra trong lá đậu tăng hàm lượng a-xit sa-li-xi-lic tự do (SA) và phức glycoside (SAG). Cần phải nhấn mạnh rằng từ 48 giờ tác động, hàm lượng của cả SA và SAG trong lá của đậu bắt đầu tăng cao hơn so với đối chứng. Ngoài ra, sự tích lũy cao nhất của SA và SAG ở 96 giờ có thể cho thấy rằng phân tử tín hiệu này đã tham gia vào các phản ứng phòng vệ trễ.

            - Là những enzyme quan trọng trong quá trình sinh tổng hợp SA, những thay đổi trong hoạt độ của phenylalanine ammonia-lyase (PAL) và axit benzoic hydroxylase (BA2H) có tương quan chặt chẽ với những thay đổi trong hàm lượng cũng như vai trò sinh lý của SA.

- Quá trình sinh tổng hợp cùng những hoạt động của các phân tử tín hiệu H2O2, JA, ET, NO, SA đã cảm ứng tổng hợp các gốc tự do semiquinone, ion su-pe-ro-xit, những yếu tố cũng đóng vai trò là hững yếu tố quan trọng trong cơ chế bảo vệ của đậu.

          - Đây là nghiên cứu đầu tiên về cơ chế bảo vệ của cây đậu đối với rệp hại đậu. Trước nghiên cứu này chưa có các dẫn liệu tương ứng được công bố.

            - Một phần kết quả nghiên cứu đã công bố trên 02 Tạp chí Quốc tế ISI là Phytochemistry (IF 2011: 3,351; http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0031942213000666) và Acta Physiologiae Plantarum (IF 2011: 1,639; http://link.springer.com/article/10.1007%2Fs11738-011-0751-7); 01 bài trên Tạp chí quốc gia Việt Nam; và 01 báo cáo tại Hội thảo khoa học quốc tế năm 2011.

 

Một số hình ảnh của buổi bảo vệ:

NCS chụp ảnh cùng với Hội đồng đánh giá Luận án

 

Tập thể lưu học sinh Việt Nam tại Ba Lan đến dự

 

 

Cán bộ trường đại học Vinh đang học tập, nghiên cứu tại Ba Lan đến dự

Phạm Đình Mạnh - Phòng TCCB