Với luận án: “Polyphasic Taxonomy on Water-bloom-forming Microcystis (Cyanobacteria) Occurring in Water Bodies in Vietnam” (Phân loại vi khuẩn lam Microcystis gây hiện tượng nở hoa nước ở Việt Nam bằng phương pháp sử dụng nhiều tiêu chí); Chuyên ngành: Khoa học Môi trường Tích hợp (Integrative Environmental Sciences).

Hội đồng chấm luận án gồm 4 thành viên: GS. TS. Isao Inouye (Chủ tịch Hội đồng), GS. TS. Kunimitsu Kaya, GS. TS. Kenichiro Ishida, và GS. TSKH. Makoto M. Watanabe. Người hướng dẫn khoa học: GS. TSKH. Makoto M. Watanabe (Chủ tịch Hội Tảo học Thế giới).

Kết quả bảo vệ theo đánh giá của Hội đồng chấm luận án: Xuất sắc.

- Những nội dung chính của luận án:

1. Phân lập thuần khiết các chủng vi khuẩn lam Microcystis gây hiện tượng nở hoa nước trong các ao, hồ và hồ chứa nước ngọt ở Việt Nam (Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Đà Nẵng).

2. Phân loại các chủng Microcystis được phân lập dựa vào phương pháp phân loại hình thái truyền thống.

3. Khảo sát sự biến đổi cấu trúc tập đoàn và kích thước tế bào của các chủng đó từ điều kiện tự nhiên sang điều kiện nuôi nhân tạo.

4. Chiết xuất và phân tích thành phần độc tố gan microcystin phương pháp ELISA và bằng máy sắc ký lỏng – khối phổ.

5. Thăm dò các gene quy định tổng hợp microcystin bằng phương pháp PCR và điện di tren gel.

6. Chiết xuất và phân tích thành phần axít béo bằng máy sắc ký khí – khối phổ.

7. Chiết xuất và phân tích thành phần sắc tố phycoerythrin và phycocyanin bằng máy so màu quang phổ khối.

8. Nghiên cứu khả năng tổng hợp sắc tố phycoerythrin và phycocyanin dưới điều kiện ánh sáng trắng, ánh sáng xanh và ánh sáng đỏ.

 9. Phân tích trình tự ADN quy định tổng hợp ribosome 16S.

10. Phân tích trình tự ADN của 16S–23S ITS.

11. Xây dựng cây chủng loại phát sinh dựa vào trình tự ADN đã được phân tích.

- Những đóng góp của luận án:

1. Nghiên cứu đã đã phân lập thuần khiết được 57 chủng vi khuẩn lam Microcystis từ 22 thủy vực nước ngọt của Việt Nam. Nghiên cứu đã phát hiện 19 chủng có khả năng sinh độc tố gan microcystin phân bố ở những thủy vực cung cấp nước uống và sinh hoạt quan trọng như hồ Bộc Nguyên (Hà Tĩnh), hồ Phú Vinh (Quảng Bình)… Nghiên cứu đã cảnh báo sự đe dọa của vi khuẩn lam Microcystis đến nguồn tài nguyên nước ngọt của Việt Nam bởi chúng có khả năng sinh độc tố, phát tán nhanh và sinh trưởng mạnh trong điều kiện ô nhiễm nguồn nước chưa được kiểm soát và đặc biệt là trong điều kiện nóng lên toàn cầu.

2. Hiện nay, có 22 loài hình thái vi khuẩn lam Microcystis được chấp nhận trên toàn thế giới thì nghiên cứu này đã phát hiện được 10 loài có mặt ở Việt Nam. Trong số 10 loài đó, có 6 loài chỉ phân bố ở các vùng nhiệt đới và 4 loài phân bố khắp thế giới. Đây là lần đầu tiên 6 loài nhiệt đới được nghiên cứu đầy đủ về hình thái, hóa sinh, sinh lý và di truyền.

3. Có 89 trình tự ADN của 57 chủng vi khuẩn lam Microcystis phân lập ở Việt Nam đã được đăng ký trên GenBank (http://www.ncbi.nlm.nih.gov/genbank/ ) với mã số truy cập từ AB665997 đến AB666085.

4. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng 57 chủng thuộc 10 loài vi khuẩn lam Microcystis được phân lập ở Việt Nam không có sự khác biệt nhiều về đặc điểm hình thái, sinh hóa, sinh lý và di truyền. Do đó, nghiên cứu đã kết luận rằng việc phân loại các loài vi khuẩn lam Microcystis dựa vào hình thái không phản ánh được loài sinh học; và đề xuất gộp 10 loài được định loại ở trên thành một loài với tên khoa học là Microcystis aeruginosa.

5. Nghiên cứu còn phát hiện một dòng vi khuẩn lam Microcystis ở Việt Nam có khả năng tổng hợp sắc tố phycoerythrin. Chúng có thể được phân loại như là một phân loài của Microcystis aeruginosa hay một dạng sinh thái có khả năng phân bố trong các tầng nước sâu nơi có cường độ ánh sáng yếu.

Bên cạnh đó, những kết quả chính của đề tài đã được đăng tải trên tạp chí quốc tế Phycological Research (Impact Factor: 1.543):

Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo tại website:

http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/j.1440-1835.2012.00650.x/abstract

- Sau đây là một số hình ảnh trong buổi bảo vệ:

 

NCS Nguyễn Lê Ái Vĩnh chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên Hội đồng

 

 

Đại diện của Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Tsukuba đến chúc mừng

Phạm Đình Mạnh

Phòng Tổ chức Cán bộ