Ngày 24 tháng 5 năm 2014 vừa qua, tại Trường Đại học Vinh đã tổ chức Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Nguyễn Tiến Dũng, sinh năm 1979, Giảng viên Bộ môn: Vật lý lí thuyết, Khoa Vật lý và Công nghệ.

Luận án với đề tài: Xác định thế năng của phân tử NaLi ở trạng thái 21Π  dựa trên số liệu phổ đánh dấu phân cực.

Hội đồng chấm luận án gồm 7 thành viên: GS. TS.Nguyễn Hữu Đức (Chủ tịch hội đồng), GS.TSKH. Trần Bá Chữ (phản biện 1), GS.TS. Nguyễn Quang Báu (phản biện 2),  PGS. TS. Đào Xuân Hợi (phản biện 3), PGS.TS. Nguyễn Văn Phú (Thư ký hội đồng), GS.TS. Trần Công Phong (Ủy viên), TS. Đoàn Hoài Sơn (Ủy viên).

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Đinh Xuân Khoa và TS.Nguyễn Huy Bằng

Phương pháp nghiên cứu của luận án kết hợp cả thực nghiệm và lý thuyết tính toán. Cách thức tính toán trong luận án là quy chuẩn trong phổ học phân tử, phương pháp giải các phương trình là chặt chẽ.

Hệ thí nghiêm đo phổ là tinh tế của phân tử trên cơ sở kỹ thuật phổ đánh dấu phân cực ở nước ngoài là rất hiện đại và có độ phân giải cao; có tính đại diện tốt trong lĩnh vực đo phổ tinh tế của phân tử ở trạng thái khí. Đó là cách đi phù hợp với điều kiện của trường Đại học Vinh để thúc  đẩy nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ đạt chuẩn quốc tế.

Đề nghị Trường Đại học Vinh công nhận kết quả bảo vệ luận án tiến sĩ và cấp bằng Tiến sĩ cho NCS Nguyễn Tiến Dũng.

- Những đóng góp của luận án:

1. Sử dụng kỹ thuật phổ PLS, phổ của phân tử NaLi ở trạng thái điện tử 21P  được quan sát lần đầu tiên đạt đến độ phân giải cấu trúc quay ứng với sai số phép đo 0,1 cm-1. Bằng các phương pháp phân tích khác nhau, gần 800 vạch phổ PLS đã được sử dụng để xác định chính xác các đặc trưng phổ của phân tử NaLi đến gần giới hạn phân li.

2. Dựa trên khai triển thế năng theo chuỗi lũy thừa, tập hợp 16 hằng số phân tử cùng với hệ số lambda kép đã được xác định với độ lệch quân phương không thứ nguyên s = 0,62. Các hằng số phân tử đã mô tả một cách đơn giản số hạng phổ của trạng thái 21Π và các đặc trưng về cấu trúc: độ dài liên kết, năng lượng phân li, cường độ dao động và năng lượng điện tử của NaLi ở trạng thái 21Π. Mặt khác, các hằng số phân tử này được lựa chọn để tính thế năng theo phương pháp RKR.

3. Sử dụng phương pháp chuẩn cổ điển WKB, thế năng của phân tử NaLi (thế RKR) đã được xác định theo 17 cặp điểm quay đầu cùng với cực tiều ứng với độ dài liên kết Re = 3,728973 Å.

4. Mặc dù số liệu phổ thực nghiệm chỉ bao phủ được miền thế năng đến giới hạn R = 7,1Å nhưng sử dụng phương pháp IPA đã xác định được thế năng của phân tử NaLi ở trạng thái 21Π đến giới hạn 16Å. Việc xác định được thế năng trong miền khoảng cách lớn giữa hai hạt nhân nguyên tử đã cho phép chính xác hóa được các hệ số tán sắc Cn – là các thông số chính để xác định “va chạm” giữa các nguyên tử Na và Li. Đường thế năng IPA thu được trong đề tài này là đường thế năng chính xác nhất đến thời điểm hiện tại cho phân tử NaLi ở trạng thái điện tử 21Π.

5. Một kết quả quan trọng của đề tài là từ số liệu phổ đã cho thấy sự tồn tại một hàng rào thế nhỏ của đường thế năng của NaLi ở trạng thái 21Π. Việc xác định được hàng rào thế là một đặc điểm thú vị không chỉ bởi tính “kì dị” của thế năng mà còn là cơ sở để có thể lựa chọn trạng thái điện tử 21Π mà tại đó có thể tạo phân tử NaLi từ các nguyên tử Na và Li theo kỹ thuật phổ liên kết quang (photoassociation spectroscopy).

Bên cạnh đó, những kết quả chính của đề tài được báo cáo tại 1 hội nghị quốc tế, 2 bài đăng ở tạp chí chuyên ngành Communication in Physics trong nước,  2 bài đăng ở tạp chí quốc tế (1 bài trên tạp chí Chemical Physics Letters trong danh mục ISI).

Sau đây là một số hình ảnh trong buổi bảo vệ:

NCS Nguyễn Tiến Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên Hội đồng

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng Thầy giáo hướng dẫn khoa học

 NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên tổ Vật lý lí thuyết

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các NCS ngành quang tại Trường Đại học Vinh