Ngày  9 tháng 4 năm 2014 vừa qua, Trường Đại học Vinh đã tổ chức Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Trần Thị Hoàng Yến, sinh năm 1974, Giảng viên Bộ môn: Giáo dục mầm non, Khoa Giáo dục.

Luận án với tên gọi: Đặc điểm cấu trúc, ngữ nghĩa của hành động chửi qua lời thoại nhân vật trong truyện ngắn Việt Nam.

Hội đồng chấm luận án gồm 7 thành viên: GS.TS. Lê Quang Thiêm (Chủ tịch Hội đồng), GS.TS. Đinh Văn Đức (Phản biện 1), GS.TS. Nguyễn Văn Khang (Phản biện 2),  PGS.TS. Phan Mậu Cảnh (Phản biện 3), PGS.TS Ngô Đình Phương (Ủy viên), TS. Ngô Cảnh (Ủy viên), PGS.TS Hoàng Trọng Canh (Thư kí Hội đồng). Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Đỗ Thị Kim Liên.

Kết quả bảo vệ theo đánh giá của Hội đồng chấm luận án: 7/7 phiếu tán thành.

- Những nội dung chính của luận án:

 Luận án đi sâu tìm hiểu các kiểu dạng, đặc điểm cấu trúc, đặc điểm ngữ nghĩa, đặc trưng văn hóa và vai trò của hành động chửi qua lời thoại nhân vật trong truyện ngắn Việt Nam.

1.Hành động chửi của nhân vật trong truyện ngắn Việt Nam có biểu hiện khá đa dạng về cung bậc bực tức, giận dữ. Hành động chửi là kiểu hành động ngôn ngữ biểu cảm đặc biệt. Chúng tiềm ẩn khả năng đe dọa thể diện dương tính người bị chửi và đe dọa thể diện âm tính của người chửi rất cao. Chúng vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc hội thoại.

3. Về cấu trúc, nhóm tham thoại chỉ chứa hành động chửi có đặc điểm ngắn gọn, dày đặc các yếu tố thô tục. Nhóm tham thoại gồm hành động chửi và hành động đi kèm có cấu trúc phức tạp; chúng thể hiện chi tiết, đích diện mục đích và cách thức tác động nhằm lăng nhục, thóa mạ đối phương.

4. Về ngữ nghĩa, hành động chửi tập trung thể hiện thái độ nhìn nhận, đánh giá đối tượng theo xu hướng phê phán, lên án, chỉ trích, nguyền rủa cách ứng xử, đạo đức, lối sống.

5. Đặc trưng văn hóa ứng xử trong giao tiếp của người Việt thể hiện qua hành động chửi chính từ sự nhận thức của họ về thế giới tâm linh, quan hệ cộng đồng và huyết thống.

6. Hành động chửi của nhân vật vừa thực hiện chức năng giao tiếp của lời nói, vừa thực hiện chức năng thẩm mỹ của ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm. Đó là một kiểu tín hiệu thẩm mỹ góp phần thể hiện giọng điệu, ý đồ sáng tác và đặc trưng phong cách nhà văn.

    - Những đóng góp của luận án:

           1. Đây là công trình đầu tiên hệ thống khá đầy đủ các kiểu dạng hành động chửi tồn tại trong lời thoại nhân vật. Đồng thời, luận án chỉ ra đặc điểm cấu trúc và ngữ nghĩa của hành động chửi biểu hiện qua lời thoại nhân vật trong truyện ngắn Việt Nam.

            2. Kết quả nghiên cứu của luận án cho thấy sự chi phối  của các đặc trưng văn hóa dân tộc đối với cách sử dụng và tổ chức hành động ngôn ngữ trong sự kiện lời nói cụ thể ở mỗi dân tộc.

            3. Luận án góp phần thúc đẩy tích cực sự phát triển của chuyên ngành Ngữ dụng học ở Việt Nam.

            4. Kết quả nghiên cứu có thể phục vụ cho việc biên soạn tài liệu giảng dạy và học tập ngành Ngôn ngữ học, Văn hóa học trong trường đại học.

Bên cạnh đó, những kết quả chính của đề tài đã được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành và kỷ yếu hội thảo ở trong và ngoài nước (7 bài báo)

Sau đây là một số hình ảnh trong buổi bảo vệ:

NCS chụp ảnh cùng Hội đồng

Lãnh đạo Khoa Sư phạm Ngữ  văn chúc mừng NCS

Tập thể Khoa Giáo dục chúc mừng NCS