Ngày 03 tháng 06 năm 2017 vừa qua, tại Học viện Tài chính đã tổ chức Lễ bảo vệ Luận án Tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Ngô Hồng Nhung, sinh năm 1986, Giảng viên bộ môn Tài chính Ngân hàng, Khoa Kinh tế.

Với luận án: “ Giải pháp tài chính để phát triển làng nghề ở tỉnh Nghệ An”.

Chuyên ngành: Tài chính ngân hàng

Mã số: 62.34.02.01

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Hoàng Thị Thúy Nguyệt

  PGS.TS. Nguyễn Huy Thịnh

Hội đồng chấm luận án gồm 7 thành viên:

1. PGS.TS Phạm Văn Liên - Học viện Tài chính - Chủ tịch Hội đồng

2. PGS.TS Bạch Thị Minh Huyền - Học viện Tài chính - Phản biện 1

3. PGS,TS Kiều Hữu Thiện - Bộ Tài chính - Phản biện 2

4. TS Nguyễn Minh Phong - Học viện Ngân Hàng - Phản biện 3

5. TS Bùi Tiến Hanh - Báo Nhân dân - Uỷ viên Thư ký

6. PGS.TS Lê Huy Trọng - Học viện Tài chính - Uỷ viên Hội đồng

7. TS Nguyễn Chí Trang - Kiểm toán Nhà nước - Uỷ viên Hội đồng

Hội đồng chấm luận án đã tiến hành bỏ phiếu kín với kết quả 7/7 phiếu tán thành công nhận cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Ngô Hồng Nhung.

- Nội dung chính của luận án:

1. Lý luận chung về làng nghề và các giải pháp tài chính để phát triển làng nghề

2. Thực trạng sử dụng các giải pháp tài chính để phát triển làng nghề ở tỉnh Nghệ An

3. Hoàn thiện các giải pháp tài chính để phát triển làng nghề tại ở tỉnh Nghệ An trong thời gian tới

- Những đóng góp của luận án:

Thứ nhất: luận án hệ thống hóa, phân tích góp phần làm phong phú thêm những vấn đề lý luận về làng nghề và các giải pháp tài chính phát triển làng nghề như khái niệm, đặc điểm, phân loại và vai trò của làng nghề; phát triển làng nghề và các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển làng nghề; các giải pháp chi ngân sách nhà nước, tín dụng, thuế tác động đến kết cấu hạ tầng, tổ chức sản xuất và thị trường để phát triển làng nghề.

Thứ hai: Luận án cũng nêu ra 05 bài học kinh nghiệm của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản và Trung Quốc đã sử dụng 3 giải pháp chi NSNN, tín dụng và thuế đối với quá trình phát triển làng nghề. Bên cạnh đó, tác giả nghiên cứu tại một số địa phương như Bắc Ninh, Quảng Nam và Thái Nguyên và rút ra 08 bài học ý nghĩa đối với tỉnh Nghệ An.

            Thứ ba: Luận án đã đưa ra “bức tranh cơ bản” về làng nghề tại Nghệ An giai đoạn 2010-2015. Bên cạnh các kết quả đạt được, tác giả đưa ra các tồn tại và nguyên nhân của những tồn tại đó.

          Thứ tư: Luận án đánh giá thực trạng sử dụng các giải pháp tài chính đến từng nhân tố ảnh hưởng đến phát triển làng nghề tại Nghệ An giai đoạn 2010-2015 thông qua số liệu tổng hợp của tác giả và điều tra bằng phiếu với 146 chủ cơ sở làng nghề, phỏng vấn một số chủ làng nghề có uy tín, kinh nghiệm lâu năm tại các làng nghề. Đó là những dữ liệu quan trọng để từ đó tác giả phân tích những kết quả đạt được của từng giải pháp tài chính tác động đến sự phát triển làng nghề ở Nghệ An. Trong mỗi giải pháp tài chính, tác giả đều đưa ra được kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của từng giải pháp tài chính đến quá trình phát triển làng nghề.

         Thứ năm: Tác giả đưa ra được 04 nhóm nguyên nhân từ cơ quan nhà nước, 2 nhóm nguyên nhân từ cơ quan thuế và nguyên nhân từ cơ quan làng nghề còn làm hạn chế quá trình phát triển tại làng nghề ở Nghệ An.

Thứ sáu: Từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan, luận án đã đi sâu nghiên cứu đề xuất hoàn thiện 3 nhóm giải pháp về chi NSNN, tín dụng, thuế và nhóm giải pháp điều kiện, kiến nghị phù hợp với những nguyên nhân đã được rút ra trong quá trình nghiên cứu thực trạng sử dụng giải pháp tài chính đối với phát triển làng nghề . Trong đó nhóm giải pháp về chi NSNN và tín dụng có tính khả thi và có căn cứ để triển khai vào thực tiễn phát triển làng nghề ở tỉnh Nghệ An.

Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu luận án tại Thư viện Quốc gia Việt Nam và Thư viện Học viện Tài chính.

Sau đây là một số hình ảnh của buổi bảo vệ:


NCS chụp ảnh cùng Hội đồng chấm luận án


NCS cùng với người hướng dẫn khoa học


Đại diện lãnh đạo khoa Kinh tế cùng các đồng nghiệp chúc mừng NCS