Vào hồi 14h 00 phút, ngày 26-02-2024 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức bảo vệ luận án Tiến sĩ Khoa học Giáo dục cho nghiên cứu sinh Phan Thị Thúy Hằng, công tác tại Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Sư phạm trực thuộc Trường Đại học Vinh, với tên đề tài:
Giáo dục kỹ năng cảm xúc xã hội cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi qua hoạt động vui chơi.
Chuyên ngành: Giáo dục mầm non
Mã số: 9.14.01.01
Tên và học vị người hướng dẫn:
1. GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến, Học viện Quản lí giáo dục
2. PGS.TS. Đỗ Thị Minh Liên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tên cơ sở đào tạo: Khoa Giáo dục mầm non, trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Những đóng góp chính của luận án:
Luận án xây dựng khung lý luận về giáo dục kỹ năng cảm xúc xã hội cho trẻ mẫu giáo qua hoạt động vui chơi, góp phần bổ sung, hoàn thiện và phát triển lý luận về giáo dục kỹ năng cảm xúc xã hội cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi qua hoạt động vui chơi nói riêng và trẻ mầm non nói chung.
(1) Luận án phát triển và chứng minh độ tin cậy của thang đo đánh giá mức độ biểu hiện kỹ năng cảm xúc xã hội của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi dựa trên thang đo SSIS SEL (Phiên bản giáo viên) và Bộ bảng hỏi bằng tranh vẽ có kết hợp tình huống minh họa dựa trên ý tưởng bộ bảng hỏi bằng tranh vẽ của Harter & Pike (1984) trên mẫu đo nghiệm là trẻ 5 – 6 tuổi ở Nghệ An, Hà Tĩnh – Việt Nam.
(2) Luận án đã khảo sát, phân tích thực trạng giáo dục kỹ năng cảm xúc xã hội cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi qua hoạt động vui chơi. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình giáo dục kỹ năng cảm xúc xã hội cho trẻ qua hoạt động vui chơi ở một số trường mầm non trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh. Đây là cơ sở khoa học để đề xuất các biện pháp giáo dục kỹ năng cảm xúc xã hội cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi qua hoạt động vui chơi.
(3) Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, luận án đề xuất năm biện pháp giáo dục kỹ năng cảm xúc xã hội cho trẻ mẫu giáo qua hoạt động vui chơi: (1) Xây dựng môi trường giáo dục kỹ năng cảm xúc xã hội cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi qua hoạt động vui chơi; (2) Cung cấp kiến thức kỹ năng cảm xúc xã hội cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi qua hoạt động vui chơi; (3) Rèn luyện kỹ năng cảm xúc xã hội cho trẻ bằng tình huống trong vui chơi; (4) Tổ chức cho trẻ vui chơi theo hình thức dạy học dự án để rèn luyện kỹ năng cảm xúc xã hội cho trẻ; (5) Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục kỹ năng cảm xúc xã hội cho trẻ.
(4) Luận án thực nghiêm tác động trên 60 trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi (30 trẻ ở trường mầm non La Nhân – Đức Thọ Hà Tĩnh và 30 trẻ ở trường mầm non Bến Thủy – Thành phố Vinh – Nghệ An), nghiên cứu sâu 03 trường hợp điển hình. Kết quả thực nghiệm được phân tích cả mặt định tính và định lượng, bước đầu đã khẳng định được tính khả thi và phù hợp của các biện pháp. Đồng thời, cũng khẳng định được tính đúng đắn của giả thuyết khoa học mà tác giả đã đặt ra.
Các kết luận trong luận án đều mới, thể hiện kết quả nghiên cứu độc lập của tác giả.
Một số hình ảnh tại buổi bảo vệ: