Ngày 30 tháng 1 vừa qua, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Bích Thủy, sinh năm 1986, Giảng viên Bộ môn: Công tác xã hội, Khoa Lịch sử.
           

            Với luận án: Vốn xã hội với sinh kế của người nhập cư tại thành phố Vinh, Nghệ An (nghiên cứu trường hợp phường Bến Thủy và phường Trường Thi, thành phố Vinh, Nghệ An)

           Chuyên ngành: Xã hội học,  mã số: 62 31 30 01. Cán bộ hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS Hoàng Bá Thịnh; 2. PGS.TS Hoàng Thu Hương

           Hội đồng chấm Luận án gồm 7 thành viên: PGS.TS. Phạm Văn Quyết (Chủ tịch Hội đồng); PGS. TS Vũ Tuấn Huy (phản biện 1); GS.TS Lê Ngọc Hùng (phản biện 2); TS. Bùi Thị Thanh Hà (phản biện 3); PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà (thư ký); TS. Trương Xuân Trường (ủy viên); PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh (ủy viên).
Kết quả bảo vệ theo đánh giá của Hội đồng chấm luận án: Xuất sắc.

           - Những nội dung chính của luận án:
+ Người dân nhập cư vào thành phố Vinh không đồng đều qua các năm. Trong đó hai phường Bến Thủy và Trường Thi là những địa bàn có đông người nhập cư nhất. 
+ Các loại hình sinh kế của người nhập cư được nghiên cứu khá đa dạng như: kinh doanh, buôn bán; lao động tự do; công chức, viên chức; dịch vụ,... 
+ Hoạt động đầu tiên được bàn luận trong quá trình sinh kế của người dân nhập cư tại thành phố Vinh là việc mua sắm tài sản sinh kế. Trong nghiên cứu này tài sản sinh kế được xét ở các khía cạnh: vốn sản xuất, phương tiện lao động và nguyên liệu sản xuất. 
+ Bên cạnh vốn vật chất là nền tảng cho hoạt động sinh kế thì vốn con người cũng là yếu tố không thể thiếu, tạo sức mạnh cạnh tranh cho người lao động nhập cư tại thành phố Vinh. 
+ Các hoạt động nghề nghiệp được xét đến của người nhập cư là tìm kiếm việc làm, thay đổi việc làm, hợp tác làm ăn và đa dạng hóa nguồn thu nhập. 
+ Bên cạnh đó, khi phân tích chúng ta thấy vốn xã hội có tác động tiêu cực. Những tác động tiêu cực này chủ yếu xuất phát từ thành tố lòng tin xã hội. 
+  Một điểm cần lưu ý trong quá trình tìm hiểu vai trò của vốn xã hội đối với quá trình xây dựng và phát triển sinh kế của người nhập cư đó chính là vai trò của nhóm sơ cấp.

             - Những đóng góp của luận án:
+ Luận án đã chỉ ra trong việc mua sắm tài sản sinh kế, vai trò của vốn xã hội nổi bật nhất ở hoạt động vay vốn. Các thành tố của vốn xã hội như mạng lưới xã hội, lòng tin, sự có đi – có lại đã được người nhập cư vận dụng một cách hiệu quả đối với những người trong và ngoài mạng lưới xã hội của họ để vay vốn. Ở đây, vốn xã hội đã góp phần chuyển đổi thành vốn tài chính.
+ Tiếp đến, nghiên cứu đã bàn luận đến tác động của vốn xã hội trong việc chuyển đổi thành vốn con người đáng chú ý ở khía cạnh kinh nghiệm nghề nghiệp. Trong quá trình sinh kế tại thành phố Vinh kinh nghiệm nghề nghiệp sẽ là nền tảng giúp người nhập cư triển khai có hiệu quả các hoạt động kiếm sống. 
+ Ngoài ra, luận án khẳng định trong số các hoạt động nghề nghiệp được phân tích thì tìm kiếm việc làm có thể nói là hoạt động quan trọng nhất. Tìm kiếm việc làm là hoạt động đầu tiên của người lao động nhập cư khi đến thành phố Vinh. 
+ Bên cạnh đó, luận án có một đóng góp không nhỏ khi nhận thấy vốn xã hội có tác động tiêu cực, làm cho lao động nhập cư không đạt được kết quả như ý muốn, thậm chí còn phải gánh hậu quả nặng nề.  
+ Cuối cùng, nghiên cứu đã kết luận người nhập cư có vai trò lớn cho sự phát triển kinh tế xã - hội của thành thị nói chung và thành phố Vinh nói riêng,  song cho đến nay, những đóng góp của họ chưa được ghi nhận đầy đủ.

             - Sau đây là một số hình ảnh trong buổi bảo vệ:



NCS cùng Hội đồng chấm luận án


Đại diện BCN Khoa Lịch sử cùng đồng nghiệp chúc mừng NCS


Gia đình và bạn bè chúc mừng NCS