Ngày 13/5/2023, Nghiên cứu sinh Nguyễn Tiến Cường bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp Trường, chuyên ngành Thực vật học tại Trường Đại học Vinh.
Tên đề tài: Nghiên cứu đa dạng họ Long não (Lauraceae Juss.) và thành phần hóa học tinh dầu của một số loài phân bố ở tỉnh Nghệ An.
Tên và học vị của người hướng dẫn:
- PGS.TS Phạm Hồng Ban – Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh
- PGS.TS Mai Văn Chung – Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh
Những đóng góp chính của đề tài:
1. Xác định được 145 loài và thứ thuộc 17 chi thuộc họ Long não, trong đó 5 chi đa dạng nhất là chi Litsea với 34 loài (chiếm 23,44% tổng số loài), tiếp đến là Cinnamomum có 33 loài (chiếm 22,75%), Machilus có 12 loài (chiếm 8,27%), Beilschmiedia và chi Lindera cùng với 11 loài (chiếm 7,58%).
2. Kết quả nghiên cứu đã bổ sung cho danh lục thực vật Khu BTTN Pù Huống 15 loài thuộc 6 chi, danh lục thực vật VQG Pù Mát 22 loài thuộc 5 chi, danh lục thực vật Khu BTTN Pù Hoạt 31 loài thuộc 10 chi, danh lục thực vật Quỳ Châu 13 loài thuộc 6 chi, danh lục thực vật Quỳnh Lưu 4 loài thuộc 2 chi, danh lục thực vật Kỳ Sơn 17 loài thuộc 7 chi.
3. Đã mô tả và phân tích đặc điểm sinh học của một số và thuộc danh mục các loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam, Nghị định 84/2021/NĐ-CP và Danh lục Đỏ của IUCN và các loài phân tích tinh dầu.
4. Đã xác định được các yếu tố địa lý ưu thế của họ Long não là yếu tố đặc hữu Việt Nam với 42 loài chiếm 28,97%, tiếp đó là yếu tố Đông Dương - Nam Trung Quốc với 41 loài chiếm 28,28%; yếu tố Lục địa châu Á nhiệt đới với 18 loài chiếm 12,41% và thấp nhất là yếu tố Cây trồng với 2 loài chiếm 1,38%.
5. Đã lập phổ dạng sống của họ Long não tại khu vực nghiên cứu như sau:
Ph% = 8,97%Mg + 54,48%Me + 34,48%Mi + 1,38%Na + 0,69%Pp
6. Hầu hết các loài được nghiên cứu trong họ Long não đều có giá trị sử dụng cao: với 90 loài cây cho gỗ (chiếm 62,06% tổng số loài); 63 loài cây cho tinh dầu (chiếm 43,44%); 47 loài có giá trị làm thuốc (chiếm 32,41%); 21 loài cho dầu béo (chiếm 14,48%), cây làm cảnh và cây ăn được cùng có 1 loài (chiếm 0,69%).
7. Đã phân tích thành phần hóa học tinh dầu của 10 mẫu thuộc 7 loài, trong đó, lần đầu tiên xác định hàm lượng và thành phần hóa học tinh dầu của 4 loài là: Vàng trắng lông (Alseodaphne velutina Chev.), Bời lời đắng (Litsea umbellata (Lour.) Merr.), Ô đước meisneri (Lindera meisneri King), Re trắng nhớt (Phoebe pallida (Nees) Nees).
8. Thành phần hóa học tinh dầu chính của một số loài trong họ Long não đều được đặc trưng bởi các sesquitecpen, trong đó, đáng chú ý là các sesquitecpen chứa hydro như β-Patchoulene phổ biến ở loài Alseodaphne velutina Chev., Litsea umbellata Lour.) Merr., Lindera meisneri King, trong khi β-Caryophyllene là thành phần phổ biến của tinh dầu các loài được nghiên cứu. Ngoài ra, sesquitecpen chứa hydro như Aromadendrene, Germacrene D cũng khá phổ biến ở các tinh dầu các loài được phân tích.
9. Tinh dầu của cây Alseodaphne velutina Chev., Litsea umbellata (Lour.) Merr., Lindera meisneri King thể hiện hoạt tính chống oxy hóa từ trung bình đến cao (thông qua khả năng bắt gốc tự do DPPH, ABTS•+ và khử sắt FRAP).
Một số hình ảnh tại buổi bảo vệ Luận án:
PGS.TS Trần Bá Tiến, Phó Hiệu trưởng tặng hoa cho NCS
NCS chụp ảnh lưu niệm với 2 Thầy giáo hướng dẫn
NCS chụp ảnh cùng Hội đồng đánh giá Luận án
Thầy Cô khoa Sinh học tặng hoa chúc mừng NCS
Gia đình và đồng nghiệp tặng hoa chúc mừng NCS