Ngày 26/10/2012 vừa qua, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ  Kinh tế, chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng (Mã số 62.31.12.01) cho Nghiên cứu sinh Đặng Thành Cương, sinh năm 1980, Giảng viên khoa Kinh tế, trường Đại học Vinh.

Với đề tài của luận án: "Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh Nghệ An".

Người hướng dẫn khoa học : PGS.TS Nguyễn Thị Bất - Đại học Kinh tế quốc dân

Hội đồng Khoa học: GS.TS Cao Cự bội - Viện Tài chính Đông Nam Á (Chủ tịch Hội đồng), PGS.TS Nguyễn Bạch Nguyệt - Đại học Kinh tế quốc dân (Phản biện 1), PGS.TS Lê Xuân Bá - Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Phản biện 2), TS. Nguyễn Anh Tuấn - Bộ Kế hoạch & Đầu tư (Phản biện 3), TS. Phạm Thị Hồng Yến - Đại học Ngoại Thương (Uỷ viên), PGS.TS Lê Quốc Lý - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Uỷ viên), TS. Lê Thanh Tâm - Đại học Kinh tế quốc dân (Uỷ viên thư ký).

Hội đồng chấm luận án đã tiến hành bỏ phiếu kín thông qua và đề nghị trường Đại học Kinh tế quốc dân cấp bằng Tiến sĩ Kinh tế tài chính ngân hàng cho NCS Đặng Thành Cương. Trở thành Nghiên cứu sinh thứ 25 của Trường Đại học Vinh, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ trong năm 2012.

 *Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

(1) Trên cơ sở kế thừa và kết hợp với khảo sát thực tiễn, luận án đã xây dựng được bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư FDI theo cách tiếp cận vĩ mô đứng trên góc độ nhà quản lý, đó là:

        (i) Giá trị gia tăng

        (ii) Hệ số ICOR

        (iii) Năng suất lao động

        (iv) Hiệu suất sử dụng điện năng, sử dụng đất

        (v) Mức độ đóng góp vào xuất khẩu, GDP, ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho nền kinh tế. 

(2) Luận án cũng đã luận giải các chính sách để thu hút vốn FDI vào địa phương đó chính  là cơ cấu ngành tại địa phương, chính sách thuế, phí và lệ phí, chính sách về đất đai, chính sách về lao động, ưu đãi hỗ trợ đầu tư, chính sách cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư.

**Những đóng góp mới về mặt thực tiễn

(1) Luận án nghiên cứu thực trạng thu hút và hiệu quả sử dụng vốn FDI tại Nghệ An, nơi đã có một số đề tài nghiên cứu về thu hút vốn FDI nhưng ít chuyên sâu đề cập đến hiệu quả sử dụng vốn FDI. Thông qua việc đánh giá thực trạng vốn FDI tại Nghệ An, luận án cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế như: hiệu quả sử dụng vốn FDI thấp, quy mô vốn nhỏ và cơ cấu thu hút còn mất cân đối đồng thời cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến Quản lý nhà nước và Cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Luận án sử dụng phần mềm Eview4 để tiến hành hồi quy mô hình đánh giá hiệu quả vốn FDI thực hiện tại tỉnh Nghệ An. Kết quả kiểm định cho thấy mô hình tối ưu nhất có dạng:

VA = -31.088,36 + 0,471832*NVi + 34,75335*LDi + 37.229,96*Ti

Trong đó: VA là giá trị gia tăng khu vực FDI, NV là vốn thực hiện khu vực FDI, LD là số lao động khu vực FDI và T là biến thời gian.

Mô hình hồi quy này cho thấy mối quan hệ giữa vốn FDI thực hiện và VA là rất chặt chẽ, đây chính là cơ sở để xác định cần phải thu hút FDI bao nhiêu để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch đề ra và so sánh hiệu quả sử dụng vốn FDI tại tỉnh Nghệ An ở các giai đoạn khác nhau nhằm điều chỉnh chiến lược huy động vốn FDI cho phù hợp.

(2) Kết quả nghiên cứu cũng góp phần khẳng định việc tăng cường thu hút vốn FDI vào tỉnh Nghệ An cần gắn quy mô với chất lượng và hiệu quả sử dụng, chứ không thu hút bằng mọi giá. Dựa trên cơ sở thực tế tại địa phương, luận án cũng đưa ra các giải pháp để tăng cường thu hút vốn FDI vào địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó tập trung vào:

(i) Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch;

(ii) Thúc đẩy hoạt động xúc tiến;

(iii) Cải cách thủ tục hành chính;

(iv) Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện các biện pháp chống chuyển giá;

(v) Cần định lượng hoá hiệu quả sử dụng vốn FDI bằng các mô hình kinh tế lượng.

 Đến nay, anh Nguyễn Thành Cương là Nghiên cứu sinh đầu tiên của trường Đại học Vinh, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Kinh tế, Chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đại học chuyên ngành Kinh tế, bổ sung nguồn cán bộ trình có độ cao cho Nhà trường.

 Sau đây là một số hình ảnh trong buổi lễ bảo vệ:

 

NCS chụp ảnh cùng Hội đồng

Lãnh đạo Khoa Kinh tế chúc mừng Tân Tiến sĩ

Đồng nghiệp chức mừng Tân Tiến sĩ

Phạm Đình Mạnh

Phòng Tổ chức Cán bộ