Ngày 18/05/2018, Nghiên cứu sinh Đào Quang Thắng, cán bộ Phòng Đào tạo, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kinh tế tại Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
* Đề tài của luận án: Chính sách việc làm cho người lao động ở Hà Tĩnh.
* Thuộc chuyên ngành: Quản lý kinh tế. Mã số: 9 34 04 10
* Người hướng dẫn luận án:
1. TS. Trần Thị Minh Ngọc;
2. PGS.TS. Nguyễn Văn Nam
* Hội đồng chấm luận án: gồm có 7 thành viên, cụ thể như sau:
- GS.TS. Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch Hội đồng
- PGS.TS. Cao Văn Sâm – Phản biện 1
- PGS.TS. Nguyễn Đình Long – Phản biện 2
- TS. Nguyễn Chiến Thắng – Phản biện 3
- PGS.TS. Nguyễn Xuân Dũng – Thư ký
- TS. Lưu Đức Hải - Ủy viên
- TS. Đinh Quang Ty - Ủy viên
* Sau khi nghiên cứu sinh trình bày tóm tắt luận án; các thành viên phản biện đánh giá luận án và nghiên cứu sinh trả lời các câu hỏi, vấn đề có liên quan đến luận án, Hội đồng chấm luận án đã họp và bỏ phiếu với 6/6 thành viên Hội đồng nhất trí công nhận Luận án của NCS. Đào Quang Thắng đạt yêu cầu và đề nghị Viện trưởng Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ cho NCS. Đào Quang Thắng.
* Sau đây là những đóng góp mới của luận án:
Luận án đã xác định khung nghiên cứu về nội dung chính sách việc làm ở cấp độ địa phương theo cách tiếp cận: chính sách đảm bảo đầu vào cho lao động tìm kiếm việc làm; các chính sách tạo đầu ra về việc làm cho người lao động và các chính sách kết nối cung cầu lao động thông qua dịch vụ việc làm. Luận án đã xây dựng được hệ thống các tiêu chí đánh giá chính sách việc làm: hiệu lực, tính công bằng, phù hợp và bền vững của chính sách.
Luận án mô tả bức tranh tổng thể, đầy đủ về số lượng, cơ cấu và chất lượng việc làm trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015. Qua phân tích chính sách việc làm của tỉnh Hà Tĩnh, Luận án phát hiện những vấn đề cần giải quyết: Hà Tĩnh chưa có chính sách việc làm hệ thống, đầy đủ, phù hợp từ quan điểm, mục tiêu chính sách đến các chính sách cấu thành: chính sách phát triển kinh tế tạo việc làm, chính sách dịch vụ việc làm, chính sách đào tạo nghề gắn với việc làm, chính sách tín dụng tạo việc làm và chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hệ thống chính sách chưa đạt được hiệu lực, tính công bằng, phù hợp và bền vững như kỳ vọng của các bên liên quan.
Luận án đưa ra 2 quan điểm cần bổ sung vào hệ thống chính sách việc làm của Tỉnh Hà Tĩnh: xã hội hóa trong giải quyết việc làm cho lao động địa phương và gắn kết chính sách việc làm và chính sách phát triển kinh tế xã hội của của Tỉnh. Phần đề xuất chủ yếu của Luận án là phát triển kinh tế tạo việc làm cần kết hợp theo đuổi định hướng về số lượng và chất lượng việc làm. Chính sách dịch vụ việc làm cần phát triển kết hợp công và tư theo hướng mở rộng dịch vụ tư, đa dạng hóa dịch vụ việc làm. Chính sách đào tạo nghề hướng tới phát triển các chương trình đào tạo gắn với định hướng phát triển kinh tế, hỗ trợ phát triển các cơ sở đào tạo nghề, đổi mới cách thức hỗ trợ lao động và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Tỉnh cần tập trung phát triển tín dụng ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển các chương trình đưa người đi làm việc ở nước ngoài cho các nhóm lao động mục tiêu, ưu tiên hơn trong hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
* Các kết quả chính của luận án đã được báo cáo trong các hội nghị, hội thảo và đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, gồm:
1. Đào Quang Thắng, "Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu lao động tỉnh Hà Tĩnh", Trang 58-60, Tạp chí Kinh tế và dự báo, số 06 tháng 03/2014.
2. Đào Quang Thắng, Thái Thị Kim Oanh, Vai trò quản lý nhà nước trong việc giải quyết việc làm cho người lao động ở Hà Tĩnh, Trang 27 - 30, Tạp chí Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương số cuối tháng, tháng 11 / 2015.
3. Đào Quang Thắng (2015), Đề tài cấp trường, Vai trò quản lý nhà nước trong giải quyết việc làm cho người lao động ở Hà Tĩnh - Chủ nhiệm đề tài, Nghiệm thu năm 2015, Mã số TT2015 - 30.
4. Đào Quang Thắng, Thái Thị Kim Oanh, Chính sách dịch vụ việc làm công cho người lao động ở Hà Tĩnh: Thực trạng và giải pháp, Trang 73-82, Tạp chí Kinh tế và phát triển, số 236 (II), tháng 2/2017
5. Đào Quang Thắng (2017), Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu chính sách việc làm cho người lao động ở cấp độ địa phương, Trang 70-73, Tạp chí Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương số 489 tháng 3/ 2017.
6. Đào Quang Thắng, Thái Thị Kim Oanh (2017), Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chính sách việc làm ở cấp địa phương, Tạp chí Lao động và xã hội, Trang 11-13, Số 546 tháng 3/2017.
Một số hình ảnh trong buổi lễ:
NCS chụp ảnh cùng Người hướng dẫn
NCS và Hội đồng chấm luận án
Đồng nghiệp, gia đình và bạn bè chúc mừng NCS