Ngày 21 tháng 8 năm 2018 vừa qua, tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã tổ chức thành công Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Lê Thị Mỹ Châu, sinh năm 1983, Giảng viên Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Viện Công nghệ Hóa, Sinh – Môi trường.

Tên đề tài luận án: “Nghiên cứu thu nhận tinh dầu và nhựa dầu từ chi Gừng (Zingiber) thuộc họ Gừng (Zingiberaceae) và ứng dụng trong công nghệ thực phẩm’’

Ngành: Công nghệ Thực phẩm.

Mã số: 9540101

Tập thể người hướng dẫn khoa học:

1.PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Tú

2.GS. TS. Trần Đình Thắng

Hội đồng chấm luận án gồm 7 thành viên:

GS. TS. Hoàng Đình Hòa (Chủ tịch Hội đồng), GS. TS. Phạm Quốc Long (Phản biện 1), PGS.TS. Bùi Quang Thuật (Phản biện 2), PGS.TS. Trịnh Thị Thủy (Phản biện 3), PGS. TS. Hà Thị Anh Đào (Uỷ viên hội đồng), PGS. TS. Tôn Thất Minh (Uỷ viên Hội đồng) và TS. Vũ Hồng Sơn (Thư ký Hội đồng).

Kết quả bảo vệ theo đánh giá của Hội đồng chấm Luận án: 7/7 thành viên của Hội đồng chấm Luận án nhất trí thông qua, và 6/7 thành viên của Hội đồng đánh giá loại xuất sắc cho Luận án.

- Những nội dung chính của luận án:

  1. Nghiên cứu xác định chất lượng nguyên liệu, tính chất hóa lí và thành phần hóa học của tinh dầu và nhựa dầu từ rễ 7 loài gừng (Z. cochinchinensis, Z. gramineum, Z. collinsii, Z. rufopilosum, Z. officinale, Z. rubens, Zzerumbet) tự nhiên khu vực Bắc Trung Bộ (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình), Việt Nam;
  2. Xây dựng quy trình thu nhận tinh dầu, nhựa dầu gừng, xác định hoạt tính sinh học của tinh dầu và nhựa dầu, công thức cấu tạo của một số hợp chất trong nhựa dầu từ rễ gừng loài Z. collinsii tự nhiên khu vực Bắc Trung Bộ, Việt Nam;
  3. Nghiên cứu quy trình công nghệ sử dụng tinh dầu, nhựa dầu gừng vào một số sản phẩm thực phẩm;
  4. Đề xuất giải pháp công nghệ sử dụng các phụ phẩm từ quá trình thu nhận chất thơm (tinh dầu và nhựa dầu) vào một số lĩnh vực khác: sản xuất tinh bột và làm giá thể trồng nấm.

- Những đóng góp của luận án:

  1. Nghiên cứu một cách có hệ thống khảo sát về chất lượng của nguyên liệu gừng, tinh dầu gừng, nhựa dầu gừng của một số loài gừng hoang dại tại khu vực Bắc Trung Bộ, Việt Nam;
  2. Tối ưu hóa được một số thông số của quy trình công nghệ thu nhận toàn bộ chất thơm từ rễ gừng bao gồm thành phần tạo mùi (tinh dầu) và thành phần tạo vị (nhựa dầu);
  3. Nghiên cứu khai thác gừng rễ theo quy trình khép kín: thu nhận tinh dầu và nhựa dầu từ rễ gừng; ứng dụng hương liệu tinh dầu, nhựa dầu gừng trong sản phẩm công nghệ thực phẩm: rượu gừng, trà gừng; định hướng ứng dụng bã của quy trình sản xuất tinh dầu và nhựa dầu gừng để tách tinh bột từ bã gừng và trồng nấm.

Bên cạnh đó, những kết quả chính của đề tài đã được đăng tải trên 9 bài báo ở các Tạp chí, Hội thảo trong nước và Quốc tế: American Journal of Plant Sciences (năm 2013, 2014); Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Tự nhiên và Công nghệ (năm 2014); Boletín Latinoamericano y del Caribe de Plantas Medicinales y Aromáticas (SCIE) (năm 2015); Hội thảo Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm QMFS2015 (năm 2015); Journal of Science and Technology (năm 2016, 2017 và 2018); Hội thảo Quốc tế ASEAN Food Conference Vietnam (năm 2017).

Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo Luận án tại Thư viện Đại học Quốc gia, thư viện Tạ Quang Bửu – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, trung tâm TT – TV Nguyễn Thúc Hào – Trường Đại học Vinh.

- Sau đây là một số hình ảnh tại lễ bảo vệ Luận án:


NCS chụp ảnh cùng Hội đồng chấm luận án


NCS cùng Người hướng dẫn khoa học




Đồng nghiệp và bạn bè chức mừng NCS