Ngày 27 tháng 6 năm 2013 vừa qua, tại Viện công nghệ Harbin (Trung Quốc) đã tổ chức Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Lê Văn Minh, sinh năm 1971, Giảng viên Bộ môn: Mạng và Truyền thông, Khoa Công nghệ Thông tin.
Với luận án: “Cross-layer design for vehicular ad hoc network routing protocol” (Thiết kế xuyên tầng cho giao thức mạng ad-hoc các phương tiện giao thông); Chuyên ngành: Kỹ thuật thông tin và Truyền thông (Information and Communication Engineering).
Hội đồng chấm luận án gồm 7 thành viên: GS. TS. Meng Weixiao (Chủ tịch Hội đồng), GS. TS. Zhang Ye, GS. TS. Su Fulin, GS. TS. Zhao Honglin, GS. TS. Gu Xuemai, GS. TS. Guo Qing và GS. TS. Zhao Yaqin. Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. Guo Qing.
Dưới đây là nội dung tóm tắt và một số đóng góp của luận án:
Theo mô hình OSI, hệ thống của mỗi node mạng được phân chia thành các tầng độc lập. Sự độc lập ở đây bao gồm độc lập về chức năng, giao thức và cấu trúc. Sự thay đổi trong mỗi tầng không làm ảnh hưởng đến các tầng khác. Các tầng không kề nhau không trao đổi trực tiếp với nhau, hai tầng kề nhau trao đổi với nhau thông qua điểm truy nhập dich vụ (SAP – Service Access Point). Hai tầng đồng mức trao đổi thông tin với nhau thông qua giao thức của tầng đó. Ưu điểm lớn nhất của kiến trúc mạng truyền thống là sự độc lập về kiến trúc của các tầng, tuy nhiên ưu điểm này trở thành không tốt khi mà một số tham số của tầng này trở thành hữu ích trong việc tối ưu hóa ở tầng khác và các tầng này có thể không kề nhau. Trong trường hợp này phương pháp thiết kế xuyên tầng có ưu điểm vượt trội hơn phương pháp truyền thống.
Mạng các phương tiện giao thông VANET (Vehicular ad hoc network) là tập hợp các node di động và không dựa trên bất cứ một hạ tầng hoặc trung tâm điều khiển mạng nào. Topo của mạng VANET thay đổi thường xuyên, do vậy đòi hỏi một giao thức mạng thích ứng được yêu cầu đó. Nhận thấy được khả năng áp dụng phương pháp xuyên tầng sử dụng các tham số của tầng vật lý và tầng liên kết dữ liệu để tối ưu hóa hiệu năng mạng ở các tầng cao hơn tác giả đã bắt tay vào thực hiện công việc này. Sau đây là một số kết quả từ công việc nghiên cứu và là đóng góp chính của luận án:
- Nghiên cứu tham số công suất nguồn điện và tiêu hao trong việc định tuyến, kết nối và truyền dữ liệu giữa các nodes trong VANET; Ước lượng tham số đó và sử dụng như là một tham số quyết định trong việc chọn đường tối ưu. Điều này đem đến không chỉ làm tăng độ bền vững của các liên kết mà còn tăng thông lượng và hiệu năng mạng.
- Nghiên cứu và ước định tham số độ trễ trong việc truyền/nhận dữ liệu giữa các nodes trong mạng VANET; Sử dụng tham số đó như là một tham số quyết định trong việc chọn đường tối ưu. Điều này giúp cho quá trình xây dựng định tuyến hội tụ nhanh hơn, thời gian truyền các gói tin ít hơn và giúp cho hiệu năng mạng tốt hơn.
- Nghiên cứu và ước định tham số về khả năng tắc nghẽn trong việc truyền các gói tin từ nguồn tới đích; Sử dụng tham số này như là một tham số quyết định trong việc chọn đường tối ưu. Điều này giúp hạn chế được khả năng gia tăng tắc nghẽn trong hệ thống mạng, tăng chất lượng dịch vụ mạng và hiệu năng mạng.
Các kết quả chính của luận án đã được đăng tải trên các tạp chí quốc tế như IEEE, Elsevier, International Journal of Future Generation Communication and Networking, Journal of Communications and Networking, …
Sau đây là một số hình ảnh trong buổi lễ:
NCS Lê Văn Minh tại lễ trao bằng chứng nhận học vị Tiến sĩ
NCS chụp ảnh lưu niệm cùng bạn bè quốc tế
NCS trong lúc trình bày luận án của mình