Ngày 12 tháng 4 năm 2017 vừa
qua, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ cho
Nghiên cứu sinh Ngô Thị Mai, sinh năm 1981, Giảng viên Bộ môn: Bảo vệ thực vật,
Khoa Nông Lâm Ngư.
Với luận án: “Nghiên
cứu bệnh đốm đen (Phaeoisariopsis personata) hại lạc tại Nghệ An”.
Chuyên ngành: Bảo vệ thực vật
Mã số: 62.62.01.12
Người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn
Văn Viên
Hội đồng chấm luận án gồm 7 thành viên:
GS.TS. Vũ Triệu Mân (Chủ tịch
Hội đồng), PGS.TS. Ngô Bích Hảo (Phản biện 1), PGS.TS. Nguyễn Kim Vân (Phản biện
2), TS. Hà Minh Thanh (Phản biện 3), PGS.TS. Hà Viết Cường (Thư ký hội đồng),
PGS.TS. Nguyễn Văn Viết (Ủy viên hội đồng), TS. Đặng Vũ Thị Thanh (Ủy Viên hội
đồng).
Hội đồng chám luận án đã tiến
hành bỏ phiếu kín với kết quả 7/7 phiếu tán thành công nhận cấp bằng tiến sỹ
cho nghiên cứu sinh Ngô Thị Mai Vi.
- Những
nội dung chính của luận án:
1.
Đánh giá mức độ phổ biến và tác hại của bệnh đốm đen hại lạc
2.
Xác định loài nấm gây bệnh đốm đen và đánh giá mức độ đa dạng phân tử của các mẫu
nấm thu thập được bằng kỹ thuật Rep – PCR
3.
Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học của nấm gây bệnh đốm đen hại lạc
4. Nghiên cứu biện pháp phòng trừ bệnh đốm đen hại
lạc do nấm P. personata gây ra
- Những đóng góp của luận án:
1. Đề tài đã đánh giá được thiệt hại năng
suất do bệnh đốm đen gây ra đối với cây lạc ngoài đồng ruộng tại Nghệ An. Trên
giống lạc L14, bệnh đốm đen có thể làm giảm năng suất tới 30,24% trong vụ xuân
và tới 49,90% trong vụ thu.
2. Bổ sung thông tin về phân loại nấm đốm
đen hại lạc tại Nghệ An. Trình tự vùng gen ITS của 11 mẫu nấm thu thập đã cho
thấy chúng thuộc loài Phaeoisariopsis personata (giai đoạn vô
tính) hay Mycosphaerella berkeleyi (giai đoạn hữu
tính).
3. Dựa trên phân tích Rep - PCR cũng đã
chứng tỏ quần thể nấm ở Nghệ An có mức độ đa dạng thấp và không có mối quan hệ
giữa các nhóm phả hệ với đặc điểm hình thái, nguồn gốc của câc mẫu nấm thu thập.
4. Xác định được các đặc điểm sinh học
và dịch tễ đặc trưng của nấm P. personata
tại Nghệ An. Trong đó, khám phá khoa học quan trọng nhất là xác định được dạng
sinh sản hữu tính của nấm chưa phát hiện thấy trong điều kiện tự nhiên tại Nghệ
An.
5. Kết quả nghiên cứu của luận án đã chứng
tỏ hoạt chất Carbendazime, dịch chiết thực vật từ cây cà độc được (Datura metel) và cây trầu không (Piper betel) có khả năng phòng chống hiệu quả nấm P.
personata trong điều kiện phòng thí nghiệm, trong nhà lưới cũng như ngoài đồng ruộng. Ở ngoài đồng ruộng, có hai thời điểm xử lý bệnh
đốm đen hiệu quả nhất, bao gồm phun khi cây mọc 5 tuần, 6 tuần hoặc khi cây mọc
8 tuần và 9 tuần.
Những kết quả chính của luận án đã được
đăng tải trong 3 bài báo trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Tạp chí Khoa học Nông nghiêp Việt Nam.
Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu luận án tại Thư viện
Quốc gia Việt Nam và Thư viện Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Sau đây là một số hình ảnh tại buổi lễ:
NCS chụp ảnh cùng Hội đồng chấm luận án
NCS chụp ảnh cùng Người hướng dẫn
Đại diện lãnh đạo, Công đoàn Khoa Nông Lâm Ngư chúc mừng NCS