Ngày 29 tháng 12 năm 2014 vừa qua, tại Học viện Khoa học xã hội (số 477 Nguyễn Trãi, Hà Nội) đã diễn ra Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Hiếu, sinh năm 1982, Giảng viên bộ môn Văn học nước ngoài, Khoa Sư phạm Ngữ văn.
Luận án với đề tài: “Đặc trưng bút pháp hậu hiện đại trong tiểu thuyết Paul Auster” (Charactistics of postmodern writing in Paul Auster’s novels);
Ngành: Văn học nước ngoài; Chuyên ngành: Văn học Bắc Mỹ.
Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Lê Huy Bắc
Hội đồng chấm luận án gồm 7 thành viên: PGS. TS. Phan Trọng Thưởng (Chủ tịch Hội đồng), GS. TS. Lộc Phương Thủy (Phản biện 1), PGS.TS. Đỗ Hải Phong (Phản biện 2), PGS.TS. Đỗ Thu Hà (Phản biện 3), TS. Nguyễn Linh Chi (Thư ký); PGS.TS. Lê Đình Cúc (Ủy viên), PGS.TS. Phạm Gia Lâm (Ủy viên).
Đánh giá của Hội đồng về luận án: Luận án đã đáp ứng xuất sắc những yêu cầu về nội dung và hình thức của một luận án Tiến sĩ Văn học. 7/7 thành viên Hội đồng đồng ý đề nghị cấp bằng tiến sĩ Văn học cho Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Hiếu.
- Những nội dung chính của luận án:
Từ việc phác họa lại tình hình nghiên cứu chủ nghĩa hậu hiện đại, tình hình nghiên cứu tiểu thuyết Paul Auster trên thế giới và ở Việt Nam, luận án đã tập trung vào các phương diện được xem là quan trọng nhất trong bút pháp hậu hiện đại của Paul Auster. Cảm quan đời sống và nghệ thuật được xem là “cái gốc” của bút pháp, từ đó, hai chiến lược siêu hư cấu và liên văn bản được hoạt tác một cách phóng khoáng. Bên cạnh những minh giải về các lý thuyết, thuật ngữ, luận án soi chiếu vào tiểu thuyết của Paul Auster với những phân tích, khám phá cụ thể.
- Những đóng góp của luận án:
Đây là luận án đầu tiên về tiểu thuyết của Paul Auster ở Việt Nam. Vì thế, luận án có giá trị khoa học và thực tiễn, có thể ứng dụng trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu văn học ở trường đại học.
Luận án đi sâu vào ba đặc trưng cơ bản nhất trong bút pháp hậu hiện đại của Paul Auster, đó là cảm quan đời sống và nghệ thuật; siêu hư cấu và liên văn bản. Từ cách xử lý của tác giả người Mỹ này, người đọc có thể nhận ra một hướng đi khác của chủ nghĩa hậu hiện đại: bên cạnh những tân kỳ, phá cách về kỹ thuật, thủ pháp; hậu hiện đại còn là sự giản dị về mặt hình thức. Căn cốt của nó, do vậy, là ở tính chất đặc thù trong cách nhìn, cách khám phá, tri nhận của mỗi nhà văn.
Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần lý giải sức hấp dẫn của tiểu thuyết Paul Auster, khẳng định vị trí riêng của ông trong văn học Mỹ và văn học hậu hiện đại thế giới, từ đó, có những đối sánh thú vị với một số hiện tượng đáng chú ý trong văn học Việt Nam đương đại.
Sau đây là một số hình ảnh trong buổi bảo vệ:
NCS chụp ảnh cùng các thành viên Hội đồng
Ban chủ nhiệm khoa cùng đồng nghiệp khoa Sư phạm Ngữ văn chúc mừng NCS
Gia đình và bạn bè chức mừng NCS