Ngày 10 tháng 11 năm 2015 vừa qua, Học viện Khoa học xã hội (số 477 Nguyễn Trãi, Hà Nội) đã tổ chức Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Trâm, sinh năm 1982, Giảng viên bộ môn Văn học Việt Nam, Khoa Sư phạm Ngữ văn.

        Luận án với đề tài: Thần thoại về mặt trời ở Việt Nam

        Ngành: Văn học;                          Chuyên ngành: Văn học dân gian

        Người hướng dẫn khoa học:              PGS.TS. Trần Thị An

        Hội đồng chấm luận án gồm 7 thành viên: 

            1. PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp (Chủ tịch Hội đồng)

            2. GS.TS. Lê Chí Quế (Phản biện 1)

            3. GS.TS. Lê Hồng Lý (Phản biện 2),  

            4. PGS.TS. Lê Trường Phát (Phản biện 3)

            5. TS. Bùi Thị Thiên Thai (Thư ký)

            6. PGS.TS. Trần Đức Ngôn (Ủy viên)

            7. PGS.TS. Phạm Thu Yến (Ủy viên).

         Đánh giá của Hội đồng về luận án: Luận án đã đáp ứng xuất sắc những yêu cầu về nội dung và hình thức của một luận án Tiến sĩ Văn học. 7/7 thành viên Hội đồng đồng ý đề nghị cấp bằng tiến sĩ Văn học, chuyên ngành Văn học dân gian cho Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Trâm.

    Những đóng góp của luận án:

            Đây là luận án đầu tiên nghiên cứu thần thoại về mặt trời ở Việt Nam một cách chuyên sâu và hệ thống. Bằng việc ứng dụng các lý thuyết hiện đại trong ngành thần thoại học và folklore học trên thế giới, luận án nghiên cứu thần thoại vừa ở phương diện hình thức tự sự dân gian, vừa dưới dạng biểu tượng, nghi lễ gắn với môi trường diễn xướng và bối cảnh văn hóa. Luận án đã khảo sát truyện kể, khu vực lưu truyền, motif và tín ngưỡng, nghi lễ thờ mặt trời nhằm chỉ ra tính hệ thống của thần thoại mặt trời và mối quan hệ giữa truyện kể và nghi thức thờ cúng. Luận án đã chỉ ra các lớp nghĩa của biểu tượng mặt trời, mối quan hệ giữa cấu trúc motif ở bề nổi và cấu trúc biểu tượng đa tầng ở bề sâu, chỉ ra tính phổ quát nhân loại cũng như những sắc thái dân tộc đặc thù trong sự đối sánh với thần thoại thế giới. Bằng việc đi sâu nghiên cứu trường hợp truyện Cố Bợ ở Nghệ Tĩnh, luận án đã phân tích, lý giải xu hướng giải huyền thoại trong thần thoại mặt trời, từ đó, gợi mở nhiều vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn như xu hướng giải huyền thoại, quy luật phát triển, chuyển hóa và kế thừa thể loại, hiện tượng giao thoa thể loại, quy luật tác động của bối cảnh diễn xướng và môi trường địa văn hóa lên truyện kể, hiện tượng thất truyền và pha tạp của thần thoại Việt Nam, các hiện tượng giải thiêng trong đời sống đương đại... Luận án có giá trị khoa học và thực tiễn, có thể ứng dụng trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu văn hóa, văn học ở trường đại học cũng như tìm hiểu tâm thức xã hội hiện đại.

            Sau đây là một số hình ảnh trong buổi lễ: 


NCS trình bày luận án trước các thành viên Hội đồng


NCS chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng chấm luận án


Đại diện BCN Khoa SP Ngữ văn và bạn bè đồng nghiệp chúc mừng NCS