Ngày 29 tháng 12 năm 2014 vừa qua, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đã tổ chức Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ kinh tế cho Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thúy Vinh, sinh năm 1977, Giảng viên bộ môn Khuyến nông, Khoa Nông Lâm Ngư.
Luận án với đề tài: “Phân tích chuỗi giá trị thủy sản của tỉnh Nghệ An”
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển
Hội đồng chấm luận án gồm 7 thành viên: GS.TS. Đỗ Kim Chung – Học viện nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng; PGS. TS. Phạm Văn Hùng – Học viện nông nghiệp Việt Nam, Phản biện 1, PGS.TS. Hoàng Văn Cường – Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Phản biện 2, TS. Dương Ngọc Thí – Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, Phản biện 3, TS. Nguyễn Viết Đăng - Học viện nông nghiệp Việt Nam, Thư ký; PGS.TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai – Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên, PGS.TS. Nguyễn Cúc – Viện Nghiên cứu và Đào tạo môi trường quản lý, Ủy viên.
Hướng dẫn khoa học cho luận án: PGS.TS Trần Hữu Cường và TS Dương Văn Hiểu
Hội đồng chấm luận án đã tiến hành bỏ phiếu kín với kết quả 7/7 phiếu tán thành. Hội đồng thống nhất đề nghị Học viện nông nghiệp Việt Nam cấp bằng Tiến sĩ kinh tế cho Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thúy Vinh
- Những nội dung nghiên cứu chính của luận án:
- Phân tích hoạt động và mối liên kết của các tác nhân dọc theo chuỗi giá trị thủy sản
- Phân tích kinh tế của chuỗi (bao gồm chi phí, lợi nhuận của chuỗi; tỷ trọng chi phí - lợi nhuận của chuỗi, phân phối giá trị gia tăng trong chuỗi);
- Phân tích một số hoạt động quản lý chuỗi (bao gồm khả năng đáp ứng, tính linh hoạt, chất lượng sản phẩm của chuỗi).
- Phân tích một số yếu tố ảnh hưởng chủ yếu đến mối liên kết của các tác nhân, ảnh hưởng đến kinh tế và quản lý chuỗi giá trị thủy sản trên địa bàn nghiên cứu.
- Những đóng góp mới về lý luận và thực tiễn của luận án:
Về lý luận, Luận án đã góp phần hệ thống hóa và làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về chuỗi giá trị thủy sản. Khái quát tình hình nghiên cứu về chuỗi giá trị trên Thế giới và Việt Nam; Các quan điểm về chuỗi giá trị thủy sản, phân tích chuỗi giá trị thủy sản; Và một số khía cạnh phân tích chuỗi giá trị thường được áp dụng, từ đó xác định cơ sở lý thuyết cho phân tích chuỗi giá trị thủy sản của tỉnh Nghệ An.
Về thực tiễn, Luận án đã đánh giá một cách tổng quan thực trạng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản của tỉnh Nghệ An thông qua 2 sản phẩm là tôm và cá; đã xác định sơ đồ 4 chuỗi chính và 6 tác nhân tham gia. Từ các phân tích luận án đã phát hiện được sự thiếu bền vững của mối liên kết và trao đổi thông tin giữa các tác nhân trong chuỗi; sự thiếu công bằng trong việc phân phối chi phí và lợi ích của các tác nhân, Và sự chưa hoàn toàn thỏa mãn của người tiêu dùng về sự phục vụ và chất lượng sản phẩm của chuỗi.
Luận án đã tìm ra được 4 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến chuỗi giá trị thủy sản của tỉnh Nghệ An, từ đó giúp cho chuỗi giá trị thủy sản của tỉnh Nghệ An phát triển bền vững hơn.
Luận án đã đưa ra các nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị thủy sản của tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.
Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ là nguồn cung cấp thông tin khoa học về phát triển chuỗi giá trị thủy sản cho các nhà nghiên cứu, các cơ quan tham mưu hoạch định chính sách, các tác nhân tham gia chuỗi giá trị thủy sản trên cả nước nói chung và của tỉnh Nghệ An nói riêng.
Sau đây là một số hình ảnh trong buổi bảo vệ:
NCS Nguyễn Thị Thúy Vinh chụp ảnh cùng các thành viên Hội đồng chấm luận án
Chủ tịch Hội đồng, GS. Đỗ Kim Chung tặng hoa chúc mừng NCS Nguyễn Thị Thúy Vinh
NCS chụp ảnh cùng người hướng dẫn PGS.TS Trần Hữu Cường và gia đình
Ban chủ nhiệm Khoa Nông Lâm Ngư và đồng nghiệp chúc mừng NCS