Ngày 23 tháng 10 năm 2015, tại Học viện Tài chính đã tổ chức Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Cúc, sinh năm 1978, Giảng viên Bộ môn Tài chính ngân hàng, Phó trưởng Khoa Kinh tế.

        Với luận án: “Quản lý nợ xấu tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam"

        Chuyên ngành: Tài chính – Ngân hàng

        Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Hoàng Văn Quỳnh và PGS.TS Lê Thị Kim Nhung

        Hội đồng chấm luận án gồm 7 thành viên: PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ – Chủ tịch Hội đồng, PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi – Phản biện 1, PGS.TS Đào Văn Hùng – Phản biện 2, PGS.TS Lê Huy Trọng – Phản biện 3, PGS.TS Hà Minh Sơn – Thư ký, TS. Hà Huy Tuấn - Ủy viên, TS. Đoàn Văn Thắng –Ủy viên.  
        Sau khi nghiên cứu sinh trình bày tóm tắt luận án; các thành viên phản biện đánh giá luận án và nghiên cứu sinh trả lời các câu hỏi, vấn đề có liên quan đến luận án, Hội đồng chấm luận án đã họp và bỏ phiếu với 7/7 thành viên Hội đồng nhất trí công nhận Luận án của NCS. Nguyễn Thị Thu Cúc đạt yêu cầu và đề nghị Giám đốc Học viện Tài chính công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ cho NCS.

    - Những đóng góp chính của luận án:
        (1) Trên cơ sở lý luận chung về quản lý nợ xấu, luận án đã phát triển và phân tích một cách sâu sắc nội dung quản lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại trên 4 hoạt động: Nhận diện nợ xấu, Phân loại và đánh giá nợ xấu, Ngăn ngừa nợ xấu và Xử lý nợ xấu. Mục tiêu của quản lý nợ xấu là kiểm soát nợ xấu ở mức độ ngân hàng có thể chấp nhận trên cơ sở cân đối giữa rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng của ngân hàng trong từng giai đoạn cụ thể. 
        (2) Luận án cũng hệ thống hóa các nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý nợ xấu, xây dựng các chỉ tiêu để đánh giá công tác quản lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại bao gồm 5 chỉ tiêu định lượng như:Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu, Tỷ lệ nợ xấu được xử lý, Tỷ lệ nợ xấu được xử lý trên từng biện pháp, Tốc độ gia tăng nợ xấu, Tốc độ gia tăng nợ xấu so với tốc độ tăng trưởng tín dụng  và các 4 chỉ tiêu định tính bao gồm: Đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra, Đảm bảo sự chặt chẽ, độc lập và đầy đủ của các khâu trong quản lý nợ xấu, Đảm báo tính chính xác và kịp thời của việc nhận diện, ngăn ngừa nợ xấu...
        (3) Luận án đã nghiên cứu và tổng kết kinh nghiệm về quản lý nợ xấu tại một số quốc gia trên thế giới từ đó rút ra những kinh nghiệm có thể tham khảo, vận dụng cho công tác quản lý nợ xấu của ngân hàng thương mại nói chung và Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam nói riêng.

    Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu của luận án
        (1) Luận án đã đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng nợ xấu và quản lý nợ xấu tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam giai đoạn 2010 -  2014. Luận án đã phân tích rõ nguyên nhân của những hạn chế của quá trình quản lý nợ xấu tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam bao gồm 6 nguyên nhân khách quan và 7 nguyên nhân chủ  quan.
        (2) Dựa trên quan điểm, mục tiêu của công tác quản lý nợ xấu tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam giai đoạn tới, luận án đề xuất 7 giải pháp nhằm tăng cường quản lý nợ xấu tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trong thời gian tới, trong đó tập trung vào các giải pháp:
        - Hoàn thiện chiến lược và mô hình quản trị rủi ro tín dụng, tổ chức lại bộ máy quản trị rủi ro tín dụng
        - Hoàn thiện việc nhận diện, đánh giá, phân loại nợ xấu
        - Nâng cao hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu của ngân hàng
        - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giáo dục đạo đức nghề nghiệp.
NCS có 5 công trình khoa học liên quan trực tiếp đến luận án đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành.

        Một số hình ảnh trong buổi lễ:


NCS chụp ảnh chùng Người hướng dẫn, HĐ chấm luận án và các GS đầu ngành Tài chính - Ngân hàng

Đại diện Khoa Kinh tế và đồng nghiệp chúc mừng NCS

Gia đình và bạn bè chúc mừng Tân Tiến sĩ