Căn cứ Thông báo của Ủy ban Quốc gia Quỹ học bổng Trung Quốc và Công văn của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc số 010/SQ ngày 22/01/2011 về Chương trình học bổng của Chính phủ Trung Quốc cấp trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Trung Quốc, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo tuyển sinh đi học theo diện Hiệp định tại Trung Quốc năm học 2011-2012 như sau:
1. Số lượng học bổng và chế độ học bổng
Tổng số có 59 học bổng toàn phần sau đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) dành cho Việt Nam, trong đó bao gồm 10 học bổng ngành Hán ngữ.
Ứng viên được tiếp nhận theo chương trình học bổng này sẽ được Chính phủ Trung Quốc cấp học bổng, miễn phí đào tạo, chỗ ở trong khuôn viên của cơ sở đào tạo; Chính phủ Việt Nam cấp vé máy bay một lượt đi và về, chi phí đi đường, chi phí làm hộ chiếu, visa và cấp bù sinh hoạt phí hàng tháng theo chế độ hiện hành của Nhà nước.
2. Thời gian đi học
Dự kiến ứng viên trúng tuyển sẽ lên đường đi học trong tháng 9/2011.
Thời gian đào tạo chuyên ngành (năm học): thạc sĩ từ 2 đến 3 năm và tiến sĩ từ 3 đến 4 năm theo quy định của chương trình và cơ sở đào tạo cụ thể.
Ứng viên chưa biết tiếng Trung sẽ phải học dự bị tiếng 01 năm học tại Trung Quốc và phải vượt qua được kỳ thi sát hạch tiếng Trung do Chính phủ Trung Quốc tổ chức trước khi chuyển vào học chuyên ngành. Ứng viên đã có bằng đại học, cao học tiếng Trung hoặc đã học đại học, cao học tại Trung Quốc thì không phải học dự bị tiếng Trung. Các ứng viên sau khi được Ủy ban Quốc gia Quỹ học bổng Trung Quốc duyệt cấp học bổng, sang Trung Quốc nhập học thẳng vào khóa học chuyên ngành hoặc sau khi hoàn thành 01 năm học dự bị tiếng Trung tại Trung Quốc sẽ phải tham dự và đạt kết quả thi đầu vào khóa học chuyên ngành (tùy thuộc yêu cầu cụ thể của cơ sở đào tạo) thì mới được chính thức chuyển vào khóa học chuyên ngành. Nếu không đạt yêu cầu trong các kỳ thi này thì ứng viên sẽ phải về nước và bồi hoàn toàn bộ kinh phí đào tạo hoặc chuyển sang học theo diện tự túc kinh phí. Khi thông báo tiếp nhận ứng viên Việt Nam trúng tuyển, Chính phủ Trung Quốc sẽ quy định cụ thể chương trình và thời gian học của từng người. Ứng viên chưa biết tiếng Trung cần có sự chuẩn bị cơ bản về ngoại ngữ trước khi lên đường đi học để giảm bớt các khó khăn ban đầu của việc phải học ngoại ngữ hoàn toàn do giáo viên người Trung Quốc giảng dạy.
3. Ngành học và nơi học
Ứng viên dự tuyển chỉ được đăng ký dự tuyển 01 chương trình (ngành) học và dự kiến nguyện vọng tối đa là 03 cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục Trung Quốc cho phép tiếp nhận người nước ngoài đến học theo chương trình học bổng Chính phủ Trung Quốc cấp (xem thông tin chi tiết trên trang website: www.laihua.csc.edu.cn để đăng ký dự tuyển ngành học và nơi học phù hợp).
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương gửi đi đào tạo những ngành Trung Quốc có thế mạnh hoặc những ngành mà Việt Nam đang có nhu cầu đào tạo là: Công nghệ thông tin và truyền thông, Công nghệ Tự động hóa, Nông nghiệp, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội, Nông nghiệp, Công nghệ sinh học, Khoa học Hàng hải và Dầu khí, Khoa học Hàng không vũ trụ, Quản lý, Y học, Kiến trúc, Cầu đường (bao gồm Đường sắt cao tốc, Đường hầm, Công trình cầu vượt và hầm đường bộ), Tài nguyên nước và Môi trường, Nghệ thuật (hội họa, âm nhạc) và Thể dục thể thao.
Lưu ý: Người dự tuyển không được tự ý thay đổi ngành học, cơ sở đào tạo đã đăng ký dự tuyển trong bất kỳ trường hợp nào. Sau khi trúng tuyển và đã nhập học, người đi học chỉ được phép chuyển đổi ngành học hoặc cơ sở đào tạo do điều kiện khách quan của trường sở tại không đáp ứng được về Giáo sư hướng dẫn hoặc không có chuyên ngành đào tạo phù hợp với nguyện vọng mà ứng viên đã đăng ký. Những trường hợp xin chuyển đổi ngành học hoặc cơ sở đào tạo trước hết phải được sự đồng ý của Ủy ban Quốc gia Quỹ học bổng Trung Quốc, của trường đang học và trường tiếp nhận, đồng thời phải được sự cho phép của cơ quan cử đi học, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Đối tượng và điều kiện dự tuyển
Ứng viên dự tuyển phải có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn sau:
- Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt và trình độ chuyên môn cao;
- Không quá 35 tuổi (đối với ứng viên học bổng thạc sĩ), không quá 40 tuổi (đối với ứng viên học bổng tiến sĩ) đang công tác (biên chế hoặc hợp đồng dài hạn từ 12 tháng trở lên với thâm niên công tác/giảng dạy tối thiểu là 6 tháng kể từ khi có hợp đồng lao động đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ dự tuyển) tại các cơ quan nhà nước, ưu tiên giảng viên các đại học, học viện và trường đại học, cao đẳng. Nếu ứng viên là công chức thì phải đáp ứng các điều kiện để được cử đi đào tạo sau đại học tại nước ngoài quy định tại Nghị định của Chính phủ số 18/NĐ-CP ngày 05/3/2010 về đào tạo, bồi dưỡng công chức (có thời gian công tác từ đủ 5 năm trở lên và chuyên ngành đăng ký đi đào tạo phù hợp với vị trí việc làm);
- Có sức khoẻ tốt để học tập tại nước ngoài. Khi nhập học phía Trung Quốc sẽ khám lại sức khỏe. Nếu người nào bị phát hiện có bệnh, không đủ sức khỏe hoặc giả mạo hồ sơ sức khỏe để đi học sẽ phải về nước và tự chịu mọi chi phí liên quan, kể cả vé máy bay;
- Ứng viên học bổng thạc sĩ phải có bằng tốt nghiệp đại học chính quy loại khá trở lên; Ứng viên học bổng tiến sĩ phải có bằng tốt nghiệp đại học và thạc sĩ với kết quả học tập đạt khá trở lên. (Ứng viên tốt nghiệp tại Việt Nam thì điểm trung bình chung cả khóa học và luận văn tốt nghiệp đều phải đạt từ 7.0 điểm trở lên theo thang điểm 10 của Việt Nam. Trường hợp tốt nghiệp tại nước ngoài thì áp dụng theo thang điểm đánh giá loại khá của nước đó). Ứng viên tiến sĩ bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp thạc sĩ từ khi dự tuyển vì phía Trung Quốc không xét tuyển trường hợp người dự tuyển mới chỉ được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp cao học; Không chấp nhận các cán bộ đang là học viên cao học, nghiên cứu sinh trong nước chuyển sang dự tuyển chương trình học bổng này;
- Ngành học đăng ký dự tuyển phải phù hợp với ngành đã học đại học/cao học;
- Cam kết hoàn thành chương trình đào tạo và trở về phục vụ tại các cơ quan cử đi học. Cam kết phải được cơ quan cử đi học xác nhận, bảo lãnh. Những người không hoàn thành chương trình đào tạo, bỏ học, bị thôi học vì bất kỳ lý do nào, hoặc không trở về nước phục vụ phải bồi hoàn toàn bộ kinh phí cho Nhà nước Việt Nam, kể cả học bổng đã nhận được của Chính phủ Trung Quốc.
5. Hồ sơ dự tuyển
Người dự tuyển nộp 01 bộ hồ sơ tiếng Việt để sơ tuyển gồm các giấy tờ trình bày trên giấy khổ A4, theo chiều dọc trang giấy và xếp thứ tự như sau:
1. Công văn cử đi học của cơ quan công tác có ghi rõ bậc học và ngành học đăng ký dự tuyển;
2. Phiếu đăng ký đi học tại nước ngoài theo mẫu quy định;
3. Bản sao quyết định tuyển dụng biên chế hoặc hợp đồng (từ khi được tuyển dụng đến nay).
4. Bản sao sổ bảo hiểm xã hội hoặc bản sao bảng lương gần nhất với thời điểm dự tuyển trong đó có thể hiện đã đóng bảo hiểm xã hội (đối với cán bộ hợp đồng);
5. Bản cam kết theo mẫu quy định;
6. Bản sao công chứng bằng và bảng điểm tất cả các năm học đại học, cao học, bằng tiến sĩ (nếu có). Đối với người học đại học liên thông hoặc đại học chuyên tu cần phải nộp cả bản sao hợp lệ bằng và bảng điểm trung cấp chuyên nghiệp hoặc cao đẳng;
7. Tài liệu liên quan đến hoạt động khoa học/nghiên cứu (nếu có);
8. Danh mục các công trình nghiên cứu đã được công bố hoặc giấy công nhận công trình nghiên cứu (nếu có).
Sau khi hoàn thành hồ sơ dự tuyển, người dự tuyển phải quét (scan) lưu lại toàn bộ hồ sơ sang các files định dạng PDF (mỗi loại tài liệu quét thành 01 file riêng) để thực hiện đăng ký trực tuyến theo địa chỉ http://tuyensinh.vied.vn/ và đồng thời chuyển toàn bộ bản chính hồ sơ dự tuyển bằng thư chuyển phát nhanh bảo đảm hoặc nộp trực tiếp tại Văn phòng Cục Đào tạo với nước ngoài - Bộ Giáo dục và Đào tạo, 21 Lê Thánh Tông, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hồ sơ cần đựng trong túi hồ sơ kích thước 25cm x 34cm, mặt ngoài túi trình bày theo mẫu quy định đối với hồ sơ dự tuyển học bổng diện Hiệp định đi Trung Quốc năm 2011 có ghi đầy đủ các chi tiết về nước, trình độ và ngành học đăng ký dự tuyển, danh mục các loại giấy tờ có trong túi, địa chỉ liên hệ, các số điện thoại cố định, di động và e-mail để liên lạc.
Lưu ý: Hồ sơ được coi là hợp lệ nếu nộp đầy đủ hồ sơ trực tuyến (online) và hồ sơ giấy.
Ứng viên được chọn vào danh sách sơ tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trên các websites: www.moet.gov.vn, www.vied.vn (dự kiến sau ngày 25/3/2011), sẽ phải đăng kí online tại hệ thống của Ủy ban Quốc gia Quỹ học bổng Trung Quốc (http://laihua.edu.cn) và chuyển bổ sung đến Văn phòng Cục Đào tạo với nước ngoài - Bộ Giáo dục và Đào tạo 03 bộ hồ sơ bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh (trình bày trên giấy khổ A4, theo chiều dọc trang giấy) để gửi đi Trung Quốc đàm phán, mỗi bộ gồm các loại giấy tờ xếp theo thứ tự như sau:
1. Đơn dự tuyển học bổng của Chính phủ Trung Quốc theo mẫu quy định, trong đó đăng ký rõ bậc học và ngành học tại Trung Quốc (2 bản);
2. Kế hoạch/đề cương học tập/nghiên cứu (tối thiểu 500 từ);
3. 02 thư giới thiệu của giáo sư hoặc phó giáo sư về ngành học đăng ký dự tuyển;
4. Bản dịch công chứng bằng tốt nghiệp đại học, cao học và bảng điểm, bằng tiến sĩ (nếu có) (2 bản);
5. Danh mục các công trình nghiên cứu đã được công bố hoặc giấy công nhận công trình nghiên cứu (nếu có);
6. Giấy khám sức khỏe cho người đi học nước ngoài theo mẫu quy định (khám tại bệnh viện trung ương/tỉnh/thành phố);
7. Photocopy các trang cần thiết của hộ chiếu phổ thông còn giá trị sử dụng để đi học (nếu có).
(Xem thêm thông tin, các mẫu văn bản liên quan tại các websites: www.vied.vn hoặc www.moet.gov.vn và www.csc.edu.cn).
Thời hạn nhận hồ sơ (tính theo dấu bưu điện đến hoặc sổ theo dõi nhận hồ sơ của Văn phòng Cục Đào tạo với nước ngoài):
- Hồ sơ tiếng Việt để sơ tuyển: Trước ngày 15/3/2011.
- Hồ sơ tiếng Trung hoặc tiếng Anh để đàm phán: Trước ngày 15/4/2011. (Ứng viên sau khi được sơ tuyển chọn có thể liên hệ theo địa chỉ dichvu@vied.vn để được Cục Đào tạo với nước ngoài cung cấp dịch vụ dịch đơn và hồ sơ sang tiếng nước ngoài.)
6. Lệ phí dự tuyển: 200.000đ/người cần được chuyển đến Cục Đào tạo với nước ngoài (ĐTVNN) trước ngày 15/3/2011 theo một trong các cách sau đây:
• Trực tiếp đến nộp hồ sơ và lệ phí dự tuyển tại Văn phòng Cục ĐTVNN.
Địa chỉ: 21 Lê Thánh Tông, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
• Chuyển tiền vào tài khoản của Cục ĐTVNN theo chi tiết sau:
Tên đơn vị: Cục Đào tạo với nước ngoài
Số tài khoản: 94501040
Mã đơn vị sử dụng ngân sách (mã ĐVSDNS): 1027412
Tại: Kho bạc Nhà nước Đống Đa, TP Hà Nội.
Lưu ý: Khi chuyển tiền vào tài khoản của Cục ĐTVNN đề nghị ghi rõ là lệ phí dự tuyển của người nào (có đầy đủ họ tên), bậc học đăng ký dự tuyển (TS, ThS) theo thông báo tuyển sinh số 52 /TB-BGDĐT ngày 21/02 /2011.
Hồ sơ nộp muộn, không đúng theo quy định nêu trên và không nộp lệ phí dự tuyển được coi là không hợp lệ và không được xét tuyển. Những người khai hồ sơ dự tuyển không đúng và người xác nhận sai sẽ bị xử lý theo pháp luật. Bộ Giáo dục và Đào tạo không trả lại hồ sơ và lệ phí dự tuyển trong bất kỳ trường hợp nào.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giới thiệu ứng viên được sơ tuyển chọn và gửi hồ sơ cho Ủy ban Quốc gia Quỹ học bổng Trung Quốc xét tuyển, cấp học bổng. Kết quả xét tuyển và cấp học bổng sẽ được thông báo trên các websites: www.vied.vn và www.moet.gov.vn. Dự kiến ứng viên trúng tuyển sẽ được Cục Đào tạo với nước ngoài hướng dẫn, giải quyết thủ tục liên quan tiếp theo để đi học tại Trung Quốc trong tháng 8 và tháng 9/2011.
Những trường hợp được phía Trung Quốc tiếp nhận không thuộc chương trình học bổng trên, không dự tuyển qua Bộ Giáo dục và Đào tạo theo thông báo tuyển sinh này và không có tên trong quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học tại Trung Quốc sẽ không được cấp học bổng của Chính phủ Việt Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ quan, các đại học, học viện và trường đại học cử cán bộ dự tuyển và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những người có đủ điều kiện cần thiết được tham gia dự tuyển đúng thời hạn quy định./.