Ngày 23 tháng 10 năm 2012 vừa qua, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ Kinh tế học, Chuyên ngành Kinh tế phát triển cho Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Minh Phượng, sinh năm 1978, Giảng viên khoa Kinh tế, trường Đại học Vinh.

          Với tên gọi của luận án: “Nghiên cứu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất và chế biến nông sản ở tỉnh Nghệ An”

          Hội đồng chấm Luận án gồm 7 thành viên: PGS.TS. Lê Hữu Ảnh - Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng; GS.TSKH. Lê Du Phong - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam (Phản biện 1); PGS.TS. Trần Hữu Cường - Đại học Nông nghiệp Hà Nội, (Phản biện 2); PGS.TS. Lê Xuân Bá - Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam (Phản biện 3); TS. Nguyễn Thị Dương Nga - Đại học Nông nghiệp Hà Nội (Thư ký); PGS.TS. Nguyễn Hữu Đạt - Viện Kinh tế Việt Nam (Ủy viên); PGS.TS. Phạm Hùng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ủy viên)

          Hướng dẫn khoa học cho luận án: PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hiền và PGS.TS Nguyễn Hữu Ngoan

Hội đồng chấm luận án đã tiến hành bỏ phiếu kín với kết quả 4/7 phiếu xuất sắc, đã đề nghị Đại học Nông nghiệp Hà Nội công nhận và cấp bằng Tiến sĩ Kinh tế cho NCS Nguyễn Thị Minh Phượng.

          Sau đây là một số đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án

Luận án đã thảo luận về năng lực cạnh tranh của các loại hình doanh nghiệp sản xuất và chế biến nông sản nói chung và ở tỉnh Nghệ An nói riêng, từ đó đã có những đóng góp mới cả về lý luận,  thực tiễn và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các loại hình doanh nghiệp sản xuất và chế biến nông sản ở tỉnh Nghệ An như sau:

- Về lý luận, luận án đã hệ thống hoá những vấn đề lý luận và thực tiễn về năng lực cạnh tranh của các loại hình doanh nghiệp sản xuất và chế biến nông sản. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến nông sản là nguồn nội lực và những thế mạnh mà doanh nghiệp có thể huy động được để duy trì, cải thiện và nâng cao thứ hạng của doanh nghiệp so với đối thủ trên thị trường nhằm thu được lợi ích ngày càng cao cho doanh nghiệp.

- Về thực tiễn, luận án đã đánh giá năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến nông sản ở tỉnh Nghệ An theo các loại hình sở hữu thông qua các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh doanh nghiệp: Mức độ đổi mới của doanh nghiệp; Nguồn cung ứng đầu vào; Khả năng đổi mới kỹ thuật, công nghệ sản xuất; Khả năng thiết kế sản phẩm mới; Khả năng tài chính kế toán; Khả năng thu thập, quản lý thông tin; Marketing và dịch vụ khách hàng; Các dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh; Văn hóa doanh nghiệp, khả năng lãnh đạo của doanh nghiệp;

Luận án đã tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến nông sản ở tỉnh Nghệ An. Từ đó, giúp các doanh nghiệp sản xuất và chế biến nông sản ở tỉnh Nghệ An phát triển hoàn thiện và bền vững hơn.

- Luận án đưa ra hệ thống các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến nông sản ở tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2020.

Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ là nguồn cung cấp thông tin khoa học về phát triển doanh nghiệp sản xuất và chế biến nông sản cho các nhà nghiên cứu, các cơ quan tham mưu hoạch định chính sách, các doanh nhân trên cả nước nói chung và của tỉnh Nghệ An nói riêng.

Cho đến nay, cô Nguyễn Thị Minh Phượng là Tiến sĩ Kinh tế học đầu tiên của Nhà trường và đã suất sắc bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ của mình trước thời hạn 4 tháng. Kết quả nghiên cứu của cô Nguyễn Thị Minh Phượng sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đại học chuyên ngành Kinh tế của trường Đại học Vinh, bổ sung nguồn cán bộ trình độ cao cho Nhà trường.

Sau đây là một số hình ảnh trong buổi lễ:

NCS chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng

Lãnh đạo khoa Kinh tế chúc mừng Tân Tiến sĩ

Đồng nghiệp chúc mừng NCS

Phạm Đình Mạnh

Phòng Tổ chức Cán bộ